Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định số 3820/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 4) với các loại hình: Lễ hội truyền thống; tập quán xã hội và tín ngưỡng; nghề thủ công truyền thống và nghệ thuật trình diễn dân gian.
Theo đó, trong đợt này, tám di sản văn hóa phi vật thể của các địa phương được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bao gồm
1. Lễ hội Roóng poọc của người Giáy (xã Tả Van, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai);
2. Lễ Pút tồng của người Dao đỏ (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai);
3. Nghề chạm khắc bạc của người Mông (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai);
4. Nghề Chàng slaw của người Nùng Dín (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai);
5. Hát Páo dung của người Dao (tỉnh Tuyên Quang);
6. Nghi lễ Cấp sắc của người Dao (tỉnh Tuyên Quang);
7. Nghệ thuật Xòe Thái (tỉnh Điện Biên);
8. Lễ hội cúng biển Mỹ Long (xã Mỹ Long Bắc, xã Mỹ Long Nam và thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh).
[Triển lãm xuyên Việt 100 bức ảnh về Di sản Việt Nam]
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã có 48 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Thông tư 04/2010/TT-BVHTTDL quy định, các di sản văn hóa phi vật thể được lập hồ sơ khoa học để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia phải có đủ các tiêu chí sau đây: Có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương; Phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; Có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; Được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.
Các loại hình di sản văn hóa phi vật thể trong diện kiểm kê để lập hồ sơ khoa học, đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia bao gồm: 1/ Tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam. 2/ Ngữ văn dân gian (bao gồm: Sử thi, ca dao, dân ca, tục ngữ, hò, vè, câu đố, truyện cổ tích, truyện trạng, truyện cười, truyện ngụ ngôn, hát ru và các biểu đạt khác được chuyển tải bằng lời nói hoặc ghi chép bằng chữ viết). 3/ Nghệ thuật trình diễn dân gian (bao gồm: Âm nhạc, múa, hát, sân khấu và các hình thức trình diễn dân gian khác). 4/ Tập quán xã hội (bao gồm: Luật tục, hương ước, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ và các phong tục khác). 5/ Lễ hội truyền thống. 6/ Nghề thủ công truyền thống; 7/ Tri thức dân gian, bao gồm tri thức về thiên nhiên, đời sống con người, lao động sản xuất, y, dược học cổ truyền, ẩm thực, trang phục và các tri thức dân gian khác. (Ưu tiên kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể đang bị mai một cần bảo vệ khẩn cấp.) |