Bổ sung địa vị pháp lý kiểm toán trong Hiến pháp

Theo Tổng kiểm toán Nhà nước, Hiến pháp cần khẳng định: “Kiểm toán Nhà nước hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.”
Trải qua 18 năm đi vào hoạt động, Kiểm toán Nhà nước đã khẳng định được vai trò là công cụ quản lý tài chính Nhà nước hữu hiệu, nâng cao hiệu quả quản lý nguồn lực tài chính quốc gia, tăng cường tính minh bạch và công khai nền tài chính đất nước.

Nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước

Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2005 với nhiều nội dung; trong đó có quy định nguyên tắc hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước là “độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; trung thực, khách quan.”

Nguyên tắc quan trọng này được quán triệt và thể hiện trong từng nội dung quy định về tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, đặc biệt là việc giao cho Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định kế hoạch kiểm toán hàng năm; kiến nghị tới cơ quan chức năng; chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.

Có thể nói, Luật Kiểm toán Nhà nước đã nâng cao địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Kiểm toán Nhà nước. Nhờ đó ngày càng đáp ứng yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách tiền và tài sản nhà nước, tạo điều kiện cho Kiểm toán Nhà nước thực hiện thành công hoạt động kiểm toán trên hầu hết các lĩnh vực, (kể cả lĩnh vực dự trữ quốc gia, an ninh, quốc phòng và ngân sách Đảng) mà trọng tâm là kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước; kiểm toán hoạt động đầu tư; kiểm toán công tác quản lý đất đai, phát triển đô thị, tài nguyên khoáng sản, thị trường bất động sản... của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, tổ chức tài chính-ngân hàng...

Báo cáo kiểm toán là căn cứ quan trọng để Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Nhân dân, các cơ quan quản lý Nhà nước sử dụng trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình. Thông qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và ngăn ngừa lãng phí, thất thoát và tham nhũng, lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực, kinh tế thế giới và thực tiễn hoạt động Kiểm toán Nhà nước, quy định khuôn khổ pháp lý như hiện nay cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước vẫn còn tồn tại một số bất cập, cụ thể: Địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước và Tổng Kiểm toán Nhà nước chưa được quy định trong Hiến pháp theo khuyến cáo của Tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) và thông lệ quốc tế. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự hạn chế hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán trong những năm qua.

Luật Kiểm toán Nhà nước hiện nay quy định: “Kiểm toán Nhà nước là cơ quan chuyên môn về kiểm tra tài chính Nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật...” chưa phản ánh đúng bản chất của Kiểm toán Nhà nước là cơ quan thực hiện "kiểm tra, đánh giá, xác nhận" hoặc cơ quan kiểm toán tối cao của quốc gia, chưa đúng tầm của cơ quan Kiểm toán Nhà nước trong quản trị nguồn lực quốc gia như các nước trên thế giới quy định. Quy định “chưa đúng tầm” trong Luật Kiểm toán Nhà nước đã dẫn tới nhận thức của các cấp, các ngành, công chúng và toàn xã hội về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước chưa thật đầy đủ và toàn diện, thậm chí còn có nhận thức sai lệch, không đúng về vị trí pháp lý, tổ chức và hoạt động Kiểm toán Nhà nước.

Nội dung Luật Kiểm toán Nhà nước quy định Tổng Kiểm toán Nhà nước do Quốc hội bầu, miễn nhiệm và bãi nhiệm theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội sau khi trao đổi thống nhất với Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức Chính phủ đều không có nội dung nào quy định về vấn đề này.

Kiểm toán Nhà nước hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật

Từ quy định, Kiểm toán Nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, để đảm bảo đồng bộ trong hệ thống pháp luật, những quy định bổ sung về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội quy định trong Hiến pháp hiện hành (Điều 84) nhất thiết phải bổ sung quyền “thành lập Kiểm toán Nhà nước.”

Ngoài ra, để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của cơ quan kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính và tài sản quốc gia, góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, Hiến pháp cũng cần phải có nội dung khẳng định: “Kiểm toán Nhà nước hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.”

Kế thừa luật quyết định luật Kiểm toán Nhà nước, nhằm đảm bảo tính độc lập và mối quan hệ giữa Kiểm toán Nhà nước với cơ quan khác, cần thiết quy định nội dung về chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước (trách nhiệm, quyền hạn, bầu, nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước).

Việc quy định địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước trong Hiến pháp không chỉ đáp ứng đòi hỏi của công tác giám sát nguồn lực kinh tế và tài sản quốc gia trong điều kiện mới, mà còn phù hợp thông lệ quốc tế, tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực kiểm toán đã được ghi nhận trong Tuyên bố Lima (1977), Tuyên bố Mexico (2007) của INTOSAI và Nghị quyết A/66/209 ngày 22/12/2011 của Liên hợp quốc về "Đẩy mạnh tính hiệu suất, trách nhiệm giải trình, tính hiệu quả và minh bạch của quản trị công thông qua việc tăng cường sức mạnh các tổ chức kiểm toán tối cao."

Triển khai Nghị quyết số 927/2010/UBTVQH12 về chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến 2020

Nhằm bảo đảm tính độc lập, nâng cao địa vị pháp lý và cũng để phù hợp với thông lệ quốc tế, tuân thủ các nguyên tắc của INTOSAI, việc quy định địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước và Tổng Kiểm toán Nhà nước trong Hiến pháp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc đặt ra tại Nghị quyết số 927/2010/UBTVQH12 ngày 19/4/2010 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đến năm 2020.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao “Kiểm toán Nhà nước có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, đề xuất bổ sung trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào thời điểm thích hợp một số điều khoản quy định về vị trí pháp lý, tính độc lập của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm Tổng Kiểm toán Nhà nước.”

Triển khai Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đến năm 2020, theo tiến trình đã được đặt ra Kiểm toán Nhà nước đã và đang chủ động, phối hợp với Ủy ban sửa đổi hiến pháp, Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội và các cơ quan hữu quan nghiên cứu nhằm bổ sung vào Hiến pháp một số điều khoản quy định về vị trí pháp lý, tính độc lập của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm Tổng Kiểm toán Nhà nước. Hiện có nhiều quan điểm, ý kiến, song các cơ quan hữu quan, các nhà khoa học, lập pháp đều cơ bản thống nhất năm quan điểm.

Một là, quán triệt và thể chế hóa các quan điểm, định hướng của Đảng: phát triển Kiểm toán Nhà nước trở thành một công cụ mạnh về kiểm tra tài chính nhà nước theo đúng tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba và Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư (Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII); Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX; Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm (Khóa IX) và Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (Khóa XI) là "Nghiên cứu việc bổ sung một số thiết chế độc lập như cơ quan Kiểm toán Nhà nước, cơ quan bầu cử quốc gia" và " tiếp tục hoàn thiện thể chế và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí."

Hai là, để giúp cho việc giám sát tối cao của Quốc hội có hiệu quả hơn, cần có các công cụ kiểm soát có hiệu quả, trong đó có cơ quan Kiểm toán Nhà nước. Xây dựng Kiểm toán Nhà nước thực sự trở thành công cụ quan trọng và đủ mạnh để thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt việc quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính và tài sản quốc gia góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí; phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản nhà nước. Do vậy, Hiến pháp cần quy định cụ thể địa vị pháp lý: “Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” và chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Ba là, quán triệt và thực hiện các quan điểm về cải cách hành chính nhà nước trên cơ sở sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật về kiểm toán nhằm phân định phạm vi hoạt động giữa Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, thanh tra tài chính, trong đó phải khắc phục sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán theo đúng tinh thần Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12/5/2009 của Chính phủ.

Bốn là, Kiểm toán Nhà nước cần phải thể hiện đúng bản chất hoạt động kiểm toán thông qua việc thực hiện "kiểm tra, đánh giá, xác nhận."

Năm là, đáp ứng yêu cầu chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; phù hợp với các nguyên tắc, thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam theo hướng phải xây dựng nền tài chính lành mạnh, công khai, đảm bảo tính minh bạch, tạo điều kiện để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước./.

• 106/140 nước trên thế giới quy định địa vị pháp lý và tính độc lập của Kiểm toán Nhà nước trong Hiến Pháp.

• 5/10 nước ASEAN gồm Indonesia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Malaysia, tổ chức mô hình Kiểm toán Nhà nước độc lập với với cơ quan lập pháp và hành pháp.

 (Nguồn INTOSAI)
 
Đinh Tiến Dũng/Tổng Kiểm toán Nhà nước

Tin cùng chuyên mục