Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách năm nay dự kiến sẽ ở mức cao nhất trong 3 năm gần đây. Trong khi ấy, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, mỗi năm Việt Nam vẫn đang vay nước ngoài khoảng 4-5 tỷ USD.
Thông tin trong buổi họp báo về tăng cường quản lý nợ công diễn ra chiều nay (14/5), ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho hay, ngân sách năm nay dự kiến dành 16,1% để trả nợ.
Con số này theo ông cao hơn tỷ lệ năm 2014 (13,8%) và năm 2013 (15,2%). Tuy nhiên, cũng theo ông Long, hiện nợ của Việt Nam vẫn đang được trả tương đối đều với con số khoảng 4-5 tỷ USD mỗi năm vay nước ngoài.
Chỉ ra những khó khăn hiện tại, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, một số chủ đầu tư được Chính phủ bảo lãnh chưa thực hiện đúng quy định hoặc gặp khó trong việc trả nợ vay, phải thực hiện tái cơ cấu tài chính dự án đầu tư.
Ngoài ra, đại diện Bộ Tài chính cũng nêu thực trạng, các hợp đồng phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư so với phê duyệt ban đầu diễn ra khá phổ biến.
Theo đại diện ngành tài chính, chính điều này khiến quy mô nợ công so với GDP đang ở mức cao. Cuối năm 2014, nợ công tính tới cuối năm ngoái khoảng trên 60% GDP.
“Tuy nhiên, an toàn nợ công thể hiện ở việc chúng ta có khả năng thu xếp, bố trí để chi trả các khoản vay nợ. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào hiệu quả sử dụng vốn vay,” đại diện Bộ Tài chính cho hay.
Trả lời thêm về lo lắng tỷ lệ trả nợ có thể lên tới 31% ngân sách thay vì dự kiến 16,1% năm nay, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho rằng, con số 31% có thể gộp cả khoản ngân sách vay về sau đó cho vay lại.
"Sau khi vay, khoảng 40% sẽ được ngân sách các dự án, thành phần kinh tế khác cho vay lại. Khi đó, bản thân họ sẽ phải tự chịu trách nhiệm trả nợ nên không thể tính đây là nợ ngân sách Nhà nước được", ông Long nói.
Tuy nhiên, về dài hạn, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, cơ quan chức năng sẽ khẩn trương cơ cấu lại nợ theo hướng tăng tỷ trọng vốn vay dài hạn để giảm áp lực nợ trong ngắn hạn.
Ngoài ra, một trong những giải pháp được Bộ Tài chính hướng tới là quản lý chặt chẽ các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ theo hướng siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh, chọn lọc có ưu tiên. Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, cơ quan này đang đánh giá rủi ro các khoản nợ để tái cơ cấu khoản nợ theo yêu cầu Chính phủ.
Một giải pháp khác được ông Long nhắc tới là các bộ, ngành, địa phương, chủ dự án và các thành phần kinh tế sử dụng vốn vay. Theo ông, hiệu quả thực nằm ngay trong tay những chủ thể sử dụng này.
Theo lãnh đạo ngành tài chính, một trong những điều cần làm là tăng cường kiểm tra sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình và theo đúng quy định pháp luật.
“Nợ là con cháu chúng ta là người phải trả. Để kiểm soát việc này thì từ Chính phủ tới các bộ ngành đều phải nỗ lực,” ông Long nói./.