Tới năm 2030, Bộ Tài chính có thể công khai 100% dữ liệu trong lĩnh vực của mình tới người dân doanh nghiệp. Ngoài ra, các dịch vụ công trực tuyến được tính toán sẽ cung cấp tới người dùng qua ứng dụng trên các thiết bị đi dộng.
[Những thế mạnh của Việt Nam trong cách mạng 4.0]
Đây là một phần trong kế hoạch chuyển đổi số của ngành tài chính vừa được ông Đặng Đức Mai, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính cho biết ngày 12/10.
Theo ông Mai, Chính phủ thông minh là mô hình các nước láng giềng đã bắt tay thực hiện trong nhiều năm. Ông lấy ví dụ, Singapore đã xây dựng Chính phủ điện tử từ năm 2000 tới năm 2015 và đang tiến tới Chính phủ số vào năm 2030.
Ông cho rằng, một trong những điểm khác biệt là Chính phủ điện tử tập trung cung cấp dịch vụ truyền thống qua kênh trực tuyến trong khi Chính phủ số chú trọng chất lượng dữ liệu trực tuyến, áp dụng internet vạn vật,… để hỗ trợ quản lý của Chính phủ.
Với Việt Nam, lãnh đạo ngành tài chính đánh giá, Việt Nam chưa có định nghĩa về Chính phủ số nhưng trước hết, số hóa hoàn toàn dữ liệu đang là nhiệm vụ lớn.
Riêng với Bộ Tài chính, ông nêu lên kế hoạch, tới năm 2020, 100% thủ tục hành chính được xây dựng thành dịch vụ công trực tuyến và hoàn thành hệ thống “đám mây Bộ Tài chính” (MOF-Cloud).
Tới năm 2025, 50% dữ liệu ngành tài chính sẽ được công khai tới người dân, doanh nghiệp trong đó tập trung lĩnh vực thuế, hải quan, chứng khoán. Ngoài ra, theo kế hoạch, 100% dịch vụ công trực tuyến sẽ được cung cấp dưới hình thức các ứng dụng di động (Mobile Apps).
Cơ quan tài chính cũng lê kế hoạch có 50% các đề xuất, dự thảo chính sách được xây dựng ban hành trên cơ sở “định hướng dữ liệu.” Nói kỹ hơn về vấn đề này, ông Mai cho rằng, trong thời gian tới, khi cơ sở dữ liệu đươc tập hợp, số hóa đầy đủ, các cơ quan có thể đánh giá được tác động của chính sách ngay khi ban hành.
“Hiện tại Việt Nam có nhiều chính sách nhưng tác động thì không đánh giá ngay được, cần có thời gian để khảo sát,” đại diện Bộ Tài chính nói.
Xa hơn, theo ông, tới năm 2030, Bộ Tài chính tính toán có 100% dữ liệu trong lĩnh vực của mình được công khai tới người dân, doanh nghiệp. Cũng trong giai đoạn này, cơ quan chức năng cũng có ý định thí điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo và trợ lý ảo trong một số nghiệp vụ và chỉ đạo điều hành của Bộ Tài chính.
Nói thêm về kế hoạch này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng, một trong những vấn đề trước hết cần làm là thay đổi nhận thức và hiện tới mới là những bước đi đầu tiên.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng đồng tình với một trong những vấn đề phải thực hiện cho bằng được thời gian tới là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính và thiết lập nền tảng công nghệ mới (điện toán đám mây, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo,…) để hỗ trợ ban hành các dịch vụ tài chính./.