Bộ Giao thông Vận tải vừa có công văn gửi Ban quản lý dự án đường sắt; Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV); Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải (TEDI) liên quan đến việc kết nối ga đường sắt tại Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành.
Theo đánh giá của phía Bộ Giao thông Vận tải, Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành là cảng quan trọng của Quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực. Việc phát triển đồng bộ hệ thống giao thông kết nối với Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành đã được xác định tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 ngày 25/6/2015 của Quốc hội.
Hiện nay, giai đoạn 1 xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành đang được triển khai thi công trong khi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam và Dự án đường sắt Thủ Thiêm-Long Thành đang trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Hai tuyến đường sắt nói trên đều nghiên cứu bố trí ga ngầm tại Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành.
Để bảo đảm các hạng mục công trình của Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành xây dựng phù hợp với việc bố trí ga đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam và Ga đường sắt Thủ Thiêm-Long Thành, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt, TEDI phối hợp với ACV rà soát không gian, kích thước hình học cần thiết đủ để bố trí các ga đường sắt và kết nối thuận lợi với nhà ga hành khách và các công trình tại Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành.
Các đơn vị này còn có trách nhiệm bảo đảm việc thi công các công trình đường sắt sau này không ảnh hưởng đến kết cấu công trình của Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành; báo cáo kết quả về Bộ Giao thông Vận tải trước ngày 18/3 tới.
ACV lên tiếng về việc Sân bay Long Thành không có ga ngầm đường sắt
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam vừa có phản hồi liên quan đến thông tin Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành không có thiết kế ga ngầm đường sắt, trong khi đang thi công móng cọc nhà ga.
Được biết, theo nghiên cứu, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm-Long Thành dài 37,35km, với 20 ga, trong đó đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh dài 11,8km, qua Đồng Nai dài 25,55km. Điểm đầu là Ga Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức), điểm cuối là Ga Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai).
Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 40.500 tỷ đồng. Tuyến đường sắt này chủ yếu phục vụ vận tải hành khách giữa trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh với Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, tốc độ tối đa 80km/giờ, vận tốc khai thác 60km/giờ. Tuyến đường sắt này được Bộ Giao thông Vận tải đặt mục tiêu phấn đấu thông qua chủ trương đầu tư năm 2025, triển khai giai đoạn 2025-2030./.
Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư khái toán khoảng 336.630 tỷ đồng, chia làm ba giai đoạn.
Giai đoạn 1 xây một đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách/năm. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của dự án dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2026.
Giai đoạn 2, sân bay được xây thêm một đường cất hạ cánh cấu hình mở và nhà ga để đạt công suất 50 triệu khách/năm.
Giai đoạn 3 hoàn thành hạng mục còn lại để sân bay đạt công suất 100 triệu khách/năm và trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai và hướng tới trở thành một trong những cảng hàng không trung chuyển nhộn nhịp trong khu vực.