“Tôi xin cam kết với Phó Thủ tướng là vấn đề này sẽ được thực hiện một cách quyết liệt và căn cơ, tình hình giáo viên chắc sẽ có cải thiện rõ rệt”.
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trước lo ngại của xã hội về vấn đề điểm chuẩn đầu vào sư phạm quá thấp, việc thừa – thiếu giáo viên cục bộ và sinh viên sư phạm khó xin việc làm.
Ông Nhạ cho biết, vấn đề giáo viên sẽ là một trong những trọng tâm lớn nhất của ngành trong năm học 2017-2018 tới đây.
Về các giải pháp, theo vị tư lệnh ngành giáo dục, nếu đặt bài toán giáo viên mà chỉ siết đầu vào nhưng không giải quyết trường hợp dôi dư và số chưa có việc làm thì không đủ.
“Tôi cho rằng trong một hai năm tới, giải quyết dôi dư và chưa có việc làm mới là quan trọng. Còn siết chặt chỉ tiêu, tôi nghĩ cũng quan trọng, nhưng không phải vấn đề lớn khi chúng ta tính toán được cung cầu,” ông Nhạ nói.
Theo đó, ông Nhạ đưa ra 5 giải pháp cho từng nhóm đối tượng.
Siết chỉ tiêu sát nhu cầu thực tế
Thứ nhất, Bộ sẽ phải quyết liệt hơn trong đánh giá nhu cầu thực tế của giáo viên đến từng môn học, bám sát yêu cầu của chương trình và tính đến đổi mới giáo dục phổ thông mới. Từ đó xác định rõ cần bao nhiêu đào tạo mới, và chỉ đào tạo với số thiếu đồng thời quản lý rất chặt chỉ tiêu đó trên toàn quốc.
Bộ sẽ siết chặt chỉ tiêu trên toàn quốc để đảm bảo cung cầu thực sự khớp nhau. Ông Nhạ cho biết ngành giáo dục đã có nhóm nghiên cứu đánh giá chi tiết.
[Sẽ trình chính phủ phê duyệt đề án quy hoạch giáo viên]
Bồi dưỡng, chuyển đổi giáo viên thừa-thiếu cục bộ
Thứ hai là bồi dưỡng thừa- thiếu cục bộ. Bộ sẽ chỉ đạo các trường đại học phối hợp với các trường cao đẳng địa phương có chương trình bồi dưỡng theo hướng cố gắng sử dụng số cán bộ đang trong biên chế nhưng thừa cục bộ để có chuyển đổi.
“Đâu đó cũng phải chấp nhận bước quá độ để giảm khó khăn cho các đại phương tạo điều kiện cho các thầy cô trong diện dư thừa có cơ hội có công việc phù hợp. Đó là việc cấp bách nhưng cũng hết sức hiệu quả, giải quyết căn bản thừa -thiếu cục bộ ở địa phương,” ông Nhạ nói.
Chuyển đổi chức năng trường sư phạm địa phương
Thứ ba là chuyển chức năng của các trường địa phương từ đào tạo mới sang đào tạo bồi dưỡng. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết nhiều trường ở địa phương là trường cao đẳng nâng lên thành đại học và chỉ tiêu rất nhiều.
Tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất Phó Thủ tướng chỉ đạo các trường đại học địa phương, trường cao đẳng tập trung đào tạo lại đội ngũ giáo viên hiện có trên cơ sở chuẩn và chương trình đạt chuẩn được Bộ thống nhất và phê duyệt. Theo ông Nhạ, như vậy, các trường địa phương vẫn có cơ hội tồn tại.
Các trường sư phạm lớn trước mắt giảm mạnh chỉ tiêu, dành nguồn lực cho xây dựng chương trình sách giáo khoa và đặc biệt là biên soạn bồi dưỡng cho các giáo viên địa phương đạt chuẩn. Các trường cùng các trường địa phương tham gia bồi dưỡng, áp dụng công nghệ thông tin cộng với đào tạo trực tiếp để tạo điều kiện thuận lợi cho các thầy cô được học nâng cao chất lượng một cách thuận lợi.
Hỗ trợ giúp cử nhân sư phạm thất nghiệp có việc làm
Vấn đề thứ tư là hỗ trợ với số cử nhân sư phạm chưa có việc làm. Theo ông Nhạ, đây vừa là giải pháp hiệu quả, vừa là vấn đề nhân văn.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định, thực tế, số giáo sinh tốt nghiệp nhiều năm qua, trong đó có một số đang xếp hàng dạng hợp đồng, còn rất nhiều số đang làm không đúng nghề và đang khó khăn.
“Dù sao, tri thức đào tạo ở các trường sư phạm cũng hết sức căn bản. Chúng tôi sẽ chỉ đạo các trường sư phạm và các trường có ngành liên quan mà nhu cầu thị trường đang cần như công nghệ thông tin, du lịch… để có chương trình chuyển đổi. Các giáo sinh đã tốt nghiệp một bằng đại học sư phạm chỉ bổ túc các tín chỉ để có thể đáp ứng được các lĩnh vực khác. Như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người học có thêm cơ hội việc làm mới.”
“Chúng tôi đã làm việc với các hiệp hội về công nghệ thông tin hay du lịch để có phương thức đào tạo. Chúng ta chấp nhận một giai đoạn để giải quyết được lãng phí nhân lực, vẫn đảm bảo chất lượng nhưng linh hoạt,” ông Nhạ chia sẻ.
Kiên quyết đóng cửa trường không đảm bảo chất lượng
Giải pháp thứ năm là áp chuẩn và quy hoạch lại mạng lưới sư phạm. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành quy chuẩn riêng với các trường sư phạm.
Căn cứ vào chuẩn, các trường yếu quá, không đủ năng lực đào tạo thì hoặc phải sáp nhập với trường khác, hoặc trở thành trường vệ tinh của các trường lớn, hoặc giải thể.
Cùng với việc đưa ra các giải pháp cụ thể, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đề nghị Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương và Bộ Nội vụ phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong quá trình thực hiện.
“Các địạ phương cũng phải có trách nhiệm cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ. Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ bàn với nhau thật kỹ, đâu là cái phù hợp thì tiếp tục, đâu là cái bất cập, trong điều kiện có thể thì hai bộ sẽ tính toán, sẽ có cơ chế từ tuyển chọn, chế độ chính sách, và báo cáo Chính phủ để có một quyết định thật sự căn cơ,” ông Nhạ kiến nghị.
Với các giải pháp trên, vị tư lệnh ngành giáo dục cho rằng sau 5 năm, một mặt siết chặt chỉ tiêu mới để tạo chất lượng, một mặt giải quyết vấn đề đang tồn tại thì vấn đề giáo viên sẽ nhẹ đi./.