Bộ trưởng Bộ Y tế giải trình Quốc hội về các vấn đề 'nóng' của ngành

Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định ngành đã cơ bản đảm bảo được nguồn cung ứng thuốc trên thị trường của năm 2022 và sẽ có chính sách để nâng cao chất lượng cũng như tăng nguồn nhân lực về y tế.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại nghị trường, ngày 27/10. (Ảnh: Quochoi.vn)
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại nghị trường, ngày 27/10. (Ảnh: Quochoi.vn)

Giải trình vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết vấn đề này liên quan đến việc đăng ký lưu hành các sản phẩm thuốc và việc đấu thầu mua sắm của các cơ sở y tế.

Cơ bản đảm bảo nguồn cung ứng thuốc

Đối với việc đăng ký lưu hành thuốc, thiết bị y tế, Bộ Trưởng Đào Hồng Lan cho hay Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 12 để giải quyết các vấn đề liên quan đến đăng ký lưu hành.

“Đến thời điểm này, Bộ Y tế cũng đã công bố danh mục trên 10.000 thuốc hết hạn hiệu lực và tiếp tục được cấp giấy lưu hành đến ngày 31/12 nên đã cơ bản đảm bảo được nguồn cung ứng thuốc trên thị trường của năm 2022, đáp  ứng kịp thời thuốc phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh của nhân dân và phòng, chống dịch,” bà Lan nói.

[Bộ Y tế: Nhiều thách thức để Việt Nam chưa công bố hết dịch COVID-19]

Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành y tế chia sẻ cơ quan này đang phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi Luật Dược và các nghị định, thông tư có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế và các nội dung liên quan đến việc cấp đăng ký lưu hành, đấu thầu tập trung quốc gia.

“Mặc khác, Bộ Y tế tiếp tục nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên được phân công làm công tác đấu thầu và công bố rộng rãi kết quả đấu thầu, thành lập tổ công tác để hỗ trợ cho công tác đấu thầu…,” bà Lan nói.

Giải pháp đảm bảo nguồn nhân lực

Tại nghị trường, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ, đoàn Bắc Kạn đồng tình với ý kiến của đa số đại biểu về tình trạng nhiều nhân viên y tế xin nghỉ việc với nguyên nhân chính là thu nhập thấp. Song, bà cho rằng vẫn còn có nhiều nguyên nhân khác và phải xem xét, phân tích, đánh giá.

Bà Thủy dẫn chứng tình trạng quá tải ở bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày có khoảng 9.000 bệnh nhân tới khám và 4.000 bệnh nhân điều trị nội trú. Do đó, các y bác sĩ phải khám vài chục đến cả trăm bệnh nhân mỗi ngày nên áp lực rất lớn, thậm chí chỉ đủ sức để quan tâm đến căn bệnh chứ không phải người bệnh.

Bên cạnh đó, các trạm y tế xã phường vốn đã ít nhân lực nhưng họ phải đảm trách nhiệm vụ các chương trình mục tiêu quốc gia, vừa phải đi khắp nơi để lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ, quản lý F0 và tiêm chủng... trong suốt thời gian dịch bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế giải trình Quốc hội về các vấn đề 'nóng' của ngành ảnh 1Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ, đoàn Bắc Kạn. (Ảnh: Quochoi.vn)

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh nhắc lại thực trạng và kiến nghị về y tế cơ sở từng được bà đề cập trong bài phát biểu tại kỳ họp thứ 2 cách đây một năm, song đến nay chưa có sự thay đổi, điển hình như tiền lương, phụ cấp cho cán bộ y tế vẫn chưa tăng.

Theo bà Lan, “kiềng ba chân” của ngành y tế (gồm y tế cơ sở, y tế điều trị và cung ứng thiết bị, vật tư y tế) đang lung lay đồng thời chính sách về xã hội hóa và tự chủ bệnh viện đi vào thực tế rất khó triển khai.

Bộ trưởng Bộ Y tế giải trình Quốc hội về các vấn đề 'nóng' của ngành ảnh 2Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Quochoi.vn)

Bà Lan nhấn mạnh tự chủ không phải cắt đi đầu tư của Nhà nước mà ngược lại trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước cần đầu tư cho y tế nhiều hơn đồng thời mở rộng các nguồn đầu tư khác để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

“Bệnh viện tự chủ nhưng không quyết định được việc mua sắm thiết bị nên khó đảm bảo điều kiện tốt nhất. Ước mơ bình thường của bất kỳ cán bộ y tế là chỉ tập trung chuyên môn chứ không phải hàng ngày đối phó quy trình mua sắm và đối diện với nguy cơ xử lý hành chính và hình sự,” đại biểu Phong Lan nhấn mạnh.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu ra một số giải pháp đảm bảo nguồn nhân lực y tế.

“Đối với cả các chính sách liên quan hỗ trợ cho nhân viên y tế, Bộ Y tế đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 56 về hỗ trợ mức phụ cấp đối với nhân viên y tế cơ sở, sở y tế dự phòng. Hiện Nghị định này đang được trình Chính phủ. Bên cạnh đó, các chính sách để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giúp tăng nguồn nhân lực y tế, Bộ Y tế sẽ báo cáo bổ sung trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này,” nữ tư lệnh ngành Y tế nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục