Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết về giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018 diễn ra sáng 15/8, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi cho người đứng đầu ngành Giao thông Vận tải liên quan đến xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam, vấn đề thu phí tự động không dừng, giải pháp đảm bảo tiến độ thi công tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận-Cần Thơ...
Ba nguyên tắc xây dựng cao tốc Bắc-Nam
Cho biết cử tri hiện nay rất quan tâm đến việc triển khai xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) chất vấn Người đứng đầu ngành Giao thông Vận tải về quan điểm của Chính phủ trong vấn đề này.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, có 3 nguyên tắc trong triển khai xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam.
Đây là công trình trọng điểm quốc gia, do đó tất cả các trình tự, thủ tục phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng, tiến độ.
Bên cạnh đó, các đơn vị phải tổ chức đấu thầu công khai minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, đây là công trình có ý nghĩa rất lớn về an ninh-quốc phòng, kinh tế-xã hội, do đó vấn đề an ninh-quốc phòng phải được xem xét đặc biệt.
Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai các thủ tục. Đến thời điểm này, Bộ đã phê duyệt dự án, đang triển khai thiết kế bản vẽ thi công và dự toán.
Hơn một tháng trước, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Thường trực Chính phủ và Thường trực Chính phủ đang xin ý kiến các cơ quan để thực hiện dự án này, bảo đảm đạt ý nghĩa kinh tế, an ninh, quốc phòng.
Đảm bảo tiến độ thi công đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể về giải pháp đảm bảo tiến độ thi công đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, Mỹ Thuận-Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 sắp tới, khi mà hiện nay, ngoài chi vốn ngân sách bổ sung, nhà đầu tư đang gặp khó khăn về vay vốn ngân hàng.
[15 bộ trưởng trả lời chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội]
Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho biết, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương-Mỹ Thuận-Cần Thơ là một trong những trục đường quan trọng nhất của Đồng bằng sông Cửu Long.
Chính phủ đã triển khai dự án này cách đây 10 năm nhưng đến thời điểm này, tiến độ vẫn chậm.
Đối với đoạn từ Trung Lương đến Mỹ Thuận, Chính phủ đã có quyết định bổ sung 2.186 tỷ đồng để hỗ trợ nhà đầu tư và cho phép nhà đầu tư điều chỉnh lại dự án. Sau đó, điều chỉnh dự án đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang phê duyệt.
"Số tiền Chính phủ hỗ trợ là 2.186 tỷ đồng, nhà đầu tư bỏ vốn vào khoảng 3.000 tỷ đồng và số vốn còn lại là của các cơ quan tín dụng. Vừa qua, Chính phủ đã giao cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng để hỗ trợ khoảng 6.000 tỷ đồng cho dự án Trung Lương-Mỹ Thuận” - ông Nguyễn Văn Thể nêu rõ.
Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải, với khoản đầu tư như vậy, đến năm 2020, dự án sẽ cơ bản thông xe đoạn Trung Lương-Mỹ Thuận, đồng thời hoàn thành toàn bộ vào năm 2021, đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Liên quan đến dự án cầu Mỹ Thuận 2, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Quốc hội bố trí vốn hơn 5.100 tỷ đồng cho dự án này.
Bộ đang làm hồ sơ thiết kỹ thuật và dự toán. Theo kế hoạch, quý 1/2020, Bộ sẽ khởi công cầu Mỹ Thuận 2.
Bộ trưởng cho biết thêm, đoạn cuối cùng từ Mỹ Thuận đến Cần Thơ, dự án này chưa mở thầu, lý do là còn phải bổ sung nguồn vốn 932 tỷ đồng thì phương án mới khả thi.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định bổ sung nguồn vốn, tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa có quyết định chính thức. “Khi có quyết định chính thức của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi sẽ mở thầu. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2019 sẽ mở thầu dự án Mỹ Thuận-Cần Thơ, đồng thời làm việc với tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long để bàn giao mặt bằng, cố gắng đẩy nhanh tiến độ dự án này,” người đứng đầu ngành Giao thông khẳng định.
Đẩy mạnh triển khai thu phí tự động không dừng
Đại biểu Nguyễn Văn Giàu (An Giang) thông tin, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Giao thông Vận tải tập trung thu phí theo hình thức điện tử, các trạm thu phí không dừng; quyết tâm đến 31/12/2019 sẽ hoàn thành toàn tuyến với 44 trạm và 620 làn.
“Tuy nhiên, đến ngày 14/8, tôi được biết, Bộ trưởng làm việc với Tổng cục Đường bộ, đến nay mới triển khai 29 trạm với 161 làn (bằng 29%). Tôi lo lắng cho Bộ trưởng” - đại biểu Nguyễn Văn Giàu nêu vấn đề.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thu phí tự động không dừng.
Theo Quyết định 07/2017/QĐ-TTg về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng, đến 31/12/2019, toàn bộ các trạm trên toàn quốc phải thu phí tự động không dừng.
Cách đây 1 tháng, Thủ tướng tiếp tục có chỉ thị chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải cùng các nhà đầu tư khẩn trương thực hiện việc này.
Báo cáo tiến độ, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã thực hiện trong 2 năm, đến nay có hai nhà đầu tư cung cấp dịch vụ không dừng; do đó các chủ đầu tư có nhiều lựa chọn.
Hàng tháng, trong cuộc họp giao, Bộ đều có văn bản nhắc nhở các chủ đầu tư. Đây là trách nhiệm của các chủ đầu tư BOT, nếu nhà đầu tư phối hợp tốt sẽ triển khai nhanh.
Bộ trưởng cho biết thêm, hiện nay, Tổng Công ty đường cao tốc Việt Nam (100% vốn nhà nước thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) có 226 làn thu phí tự động không dừng nhưng tiến độ thực hiện rất chậm.
Bộ đã gửi văn bản báo cáo Thủ tướng và Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để báo cáo tình hình. Nếu tình hình không cải thiện, để chậm, trách nhiệm hoàn toàn của nhà đầu tư.
“Đến ngày 31/12, chúng tôi sẽ tạm dừng thu phí toàn bộ các trạm thu phí không áp dụng thu phí tự động không dừng. Hiện nay, chúng tôi sẽ kiểm điểm tiến độ hàng tháng và có giải pháp, nếu các nhà đầu tư cố tình chây ỳ thì chắc chắn phải chịu hậu quả kinh tế” - Bộ trưởng khẳng định.
Tranh luận lại, đại biểu Nguyễn Văn Giàu băn khoăn việc chấp hành của doanh nghiệp.
“Chúng ta quyết tâm thế là tốt, nhưng phải đánh giá hết, lường hết những vấn đề mà nếu như kết thúc các doanh nghiệp không chấp hành. Việc thu hay không thu là vấn đề rất lớn. Hơn nữa, khi thực hiện điện tử, những người sử dụng dịch vụ này phải được phổ cập kiến thức. Đây là việc rất lớn, có xáo trộn xã hội, mặc dù về mặt nhà nước chúng ta chỉ đạo” - đại biểu Nguyễn Văn Giàu phân tích.
Xã hội hóa đầu tư sân bay
Trả lời chất vấn của đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) về khó khăn trong công tác xã hội hóa các cảng hàng không, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện cả nước có 22 sân bay nhưng chỉ có sân bay Vân Đồn do nhà đầu tư quản lý; 21 sân bay còn lại, Chính phủ đã giao giao Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) quản lý.
Trong cơ cấu vốn của ACV, vốn Nhà nước chiếm 95,6%, do đó ACV có trách nhiệm đầu tư 21 sân bay.
“Với 21 sân bay này, chỉ 8 sân bay có lợi nhuận, còn lại thu không đủ chi. Các nhà đầu tư bên ngoài chủ yếu tập trung vào các cảng hàng không có lợi nhuận cao,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.
Theo Bộ trưởng, khi để các doanh nghiệp tham gia đầu tư sân bay sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của ACV, ảnh hưởng đến nguồn thu của doanh nghiệp Nhà nước, tài sản Nhà nước.
“Quan điểm của Chính phủ là tiếp tục xã hội hóa nhưng theo hình thức khác. Ví dụ, Cảng hàng không Lào Cai đang kêu gọi đầu tư, nếu doanh nghiệp quan tâm thì làm từ đầu cả hạng mục sinh lợi và không sinh lợi để đảm bảo hài hòa lợi ích,” ông Nguyễn Văn Thể phân tích.
Sau phần trả lời của Bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội góp ý, từ thành công của việc xã hội hóa xây dựng sân bay Vân Đồn, Bộ Giao thông Vận tải cần nghiên cứu ý kiến đại biểu Phan Thái Bình, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư các sân bay khác.
“Những cảng hàng không hiện nay thu không đủ chi, cơ chế phải thay đổi thế nào. Ngay cả sân bay Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia nhưng có thể phát huy kinh nghiệm từ Vân Đồn, có thể chia ra từng gói, cái nào Nhà nước đầu tư, cái nào xã hội hóa để doanh nghiệp đầu tư. Bộ Giao thông Vận tải phải tham mưu cho Chính phủ. Chủ trương làm sân bay Long Thành của Quốc hội còn thực hiện thế nào hiệu quả nhất, nhanh nhất là do sự điều hành của Chính phủ” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh./.