"Hợp tác xã là giải pháp đầu tiên trong các giải pháp để cơ cấu lại nền nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất ở quy mô lớn hơn. Hợp tác xã sẽ tạo ra giá trị cao hơn, đa dạng hóa sản phẩm thay vì chỉ bán nông sản thô."
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh như vậy tại Diễn đàn nông dân hợp tác liên kết trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp - Chào mừng 76 năm ngày hợp tác xã Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 7/4.
Với quy mô sản xuất đủ lớn, hợp tác xã mới xây dựng được thương hiệu cho từng vùng nguyên liệu, trở thành đối trọng trong liên kết bình đẳng với các doanh nghiệp, giải được bài toán giảm chi phí đầu vào, nâng cao chất lượng đầu ra.
[Chủ tịch nước khảo sát mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã ở Đồng Tháp]
Với đầu vào, nông dân được giảm chi phí nhờ mua chung nguyên liệu, vật tư sản xuất… Đầu ra đảm bảo được chất lượng nông sản với quy trình sản xuất đồng bộ. Đó chính là sức cạnh tranh của nông sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ ra.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng hợp tác xã phải xác định là một thành phần của kinh tế nông thôn để nâng cao thu nhập của nông dân. Thu nhập của nông dân không chỉ là nông sản mà họ sản xuất ra mà còn ở các hoạt động dịch vụ của hợp tác xã như: phân loại, bảo quản, sơ chế, bao bì, đóng gói, thương mại điện tử.
Chính giá trị kết tinh từ nhiều công đoạn của chuỗi ngành hàng cộng với địa danh, văn hóa, câu chuyện… sẽ hướng tới giá trị thành quả của nông dân, chứ không chỉ là giá cả của nông sản thô.
Đến hết năm 2021, cả nước có 34.871 tổ hợp tác nông nghiệp và 18.327 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm gần 70% tổng số hợp tác xã cả nước với khoảng 3,2 triệu thành viên.
Không chỉ tăng nhanh về số lượng, mà chất lượng và hiệu hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp cũng đã được cải thiện. Tỷ lệ các hợp tác xã nông nghiệp được đánh giá xếp loại khá, tốt đã tăng lên đạt trên 60%. Đặc biệt, hợp tác xã yếu kém có thời kỳ chiếm 30% nhưng nay còn khoảng 8,5%.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, đánh giá với sự xuất hiện của các hợp tác xã chúng ta thấy rằng, chất lượng nông sản được tăng lên. Các sản phẩm được bán trên thị trường đảm bảo được tính an toàn, mẫu mã… Thông qua các hợp tác xã thì thu hút được các doanh nghiệp đầu tư, trở thành đối tác của nông dân thông qua hợp tác xã. Nhiều hợp tác xã xây dựng được vùng nguyên liệu, phát triển thị trường.
Mô hình hợp tác xã phát triển đa dạng, thích ứng tốt với các điều kiện; trong đó có cả khủng hoảng về xã hội như dịch COVID-19.
Trong hơn 2 năm bị dịch COVID-19 nhưng các hợp tác xã vẫn được thành lập, vẫn tăng trưởng trong sản xuất.
Đặc biệt, trên 2.000 hợp tác xã đã thành lập được doanh nghiệp trực thuộc để cung cấp đầu vào, đầu ra cho hợp tác xã và cho các thành viên tốt hơn.
Sự xuất hiện của các hợp tác xã trong nông thôn giúp cho các chương trình, chính sách của nhà nước có địa chỉ để đi đến. Như trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thì hợp tác xã trở thành địa chỉ đầu tư hiệu quả, ông Lê Đức Thịnh đánh giá.
Ông Lê Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Hợp tác xã Xuyên Việt, đánh giá để sản xuất có quy mô hàng hóa, phát triển ở diện rộng thì cần phải có liên kết. Để có liên kết thì hợp tác xã là mô hình đúng và hợp với xu thế, thực tế nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam.
Để xây dựng được hợp tác xã thành công, ông Lê Văn Việt cho biết: "Cần nhìn vào 2 điểm để chọn ra hướng hoạt động của hợp tác xã là: lợi thế của địa phương, tính bức xúc của ngành nghề đó ở địa phương. Chẳng hạn như trong sản xuất thủy sản mang tính tập trung thì thực tế cho thấy, sản lượng tốt nhưng đầu ra có vấn đề. Do đó, chúng ta sẽ phải tập trung vào bức xúc nông dân đang gặp. Khi giải quyết được bức xúc đó thì đây là cái đầu tiên để cho các thành viên hợp tác xã đi theo."
Bên cạnh đó là phải nâng cao tính chuyên nghiệp. Người đứng đầu phải có tầm, tâm, hiểu được những vấn đề thành viên gặp phải và giải quyết được những vấn đề bức xúc từ tâm lý cho đến vấn đề về vốn, khoa học kỹ thuật, đầu ra… Khi làm được như vậy sẽ tạo được niềm tin với các thành viên, từ đó các thành viên sẽ trung thành và thực hiện theo các quy trình mà hợp tác xã đưa ra, ông Lê Văn Việt cho hay.
Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng cho rằng chuyển đổi số sẽ là “đòn bẩy” quan trọng giúp hợp tác xã phát triển trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất, giúp tối ưu hóa phân bổ nguồn lực, cắt giảm chi phí. Qua đó, giúp phát triển sản xuất, kinh doanh và tạo ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, nâng cao năng suất của hợp tác xã.
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của nhà nước, theo các chuyên gia, bản thân các hợp tác xã cần chủ động tiếp cận, tìm hiểu các giải pháp số giúp quản lý, vận hành được thuận lợi.
Hợp tác xã cần chú trọng định hướng vào công tác đào tạo con người, thu hút nguồn lực trẻ vào làm việc, tạo tiền cho việc tiếp cận và sử dụng giải pháp số hiệu quả hơn./.