Bộ trưởng QP Anh phản đối cắt ngân sách quân sự

Bộ trưởng Quốc phòng Anh cảnh báo sẽ kiên quyết phản đối bất cứ đề xuất nào nhằm cắt giảm hơn nữa nguồn ngân sách dành cho lực lượng vũ trang.

Ngày 2/3, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Philip Hammond cảnh báo ông sẽ kiên quyết phản đối bất cứ đề xuất nào nhằm cắt giảm hơn nữa nguồn ngân sách dành cho lực lượng vũ trang trong báo cáo về chi tiêu mà Bộ trưởng Tài chính George Osborne chuẩn bị công bố.

 

Ông Hammond cũng kêu gọi Chính phủ Anh nên giành ưu tiên hàng đầu cho nhiệm vụ bảo vệ đất nước, duy trì luật pháp và trật tự, vì thế không thể tiếp tục cắt giảm ngân sách quốc phòng trong khi vẫn phải hướng tới các mục tiêu về an ninh.

 

Trả lời phỏng vấn tờ "Điện tín hàng ngày", ông Hammond cho rằng quân đội Anh có nguy cơ phải thu hẹp hoạt động, hạn chế mua sắm trang thiết bị vũ khí và tiết giảm huấn luyện binh sỹ nếu ngân sách ngày càng eo hẹp. Ông khẳng định "sẽ không xem xét bất cứ đề xuất nào nhằm cắt giảm thêm ngân sách quốc phòng mà có thể đe dọa tới tiềm lực quân sự của đất nước."

 

Ông Michael Graydon, cựu Tham mưu trưởng Không quân Hoàng gia Anh cũng đồng ý với cách tiếp cận về ngân sách của Bộ trưởng Quốc phòng.

Theo ông Graydon, lực lượng vũ trang Anh đang phải đối mặt với nhiều khoảng trống về tiềm lực quân sự mà chưa từng xảy ra trong vòng 200 năm trở lại đây. Ví dụ, quân đội Anh không có máy bay tuần tra biển, và việc vận hành, sử dụng tàu sân bay cũng rất hãn hữu. Thực tế này khiến nhiều người phải lo ngại về khả năng đảm bảo an ninh quốc gia Anh trong tình hình mới.

 

Sau thất bại của Đảng Bảo thủ tại cuộc bầu cử bổ sung ở hạt Eastleigh, nhiều thành viên đảng này đã yêu cầu phải quay trở lại với những giá trị cốt lõi mà Đảng Bảo thủ vẫn theo đuổi từ trước tới nay. Vì thế, dư luận cho rằng tuyên bố của ông Hammond sẽ nhận được sự ủng hộ của các nghị sỹ Đảng Bảo thủ. Tuy nhiên, căng thẳng trong nội bộ liên minh cầm quyền giữa Đảng Bảo thủ và Đảng Dân chủ Tự do cũng có thể tái bùng phát bất cứ lúc nào.

 

Đảng Dân chủ Tự do khăng khăng phản đối cắt giảm thêm ngân sách dành cho phúc lợi xã hội, và yêu cầu chuyển gánh nặng này sang phía quốc phòng. Đây cũng được coi là một trong những nguyên nhân gây chia rẽ giữa hai đảng này trong quá trình triển khai kế hoạch cắt giảm ngân sách./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục