Liên quan đến kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp về việc sửa đổi Luật Đất đai do còn nhiều vấn đề vướng mắc, bất cập chưa được giải quyết, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết đây là những vấn đề người dân rất quan tâm trong nhiệm kỳ 2016-2020 vừa qua.
Do đó, bằng các Nghị định của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rà soát, tháo gỡ các khó khăn để “giải phóng” nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, điều này “mới chỉ làm được một phần” và thực tế vẫn còn những vấn đề đáng lưu ý như khiếu kiện, thất thoát đất đai, lợi dụng các chính sách chưa chặt chẽ để tham ô, tham nhũng; vẫn còn những xung đột trong quá trình phát triển và nhiều thủ tục là rào cản trong khi người dân, doanh nghiệp tiếp cận đất đai.
[Giá đất nền nhiều địa phương tăng gấp đôi do yếu tố đầu cơ ‘thổi giá’]
“Đất đai là một loại tài nguyên đặc biệt. Chúng ta cũng đã xác định Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, nhưng đất đai là sở hữu công cộng, nên phải giải quyết triệt để vấn đề sở hữu công cộng về đất đai cũng như các quyền của người dân đối với đất đai; đưa nguồn lực này vào phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị, an ninh quốc phòng... Do đó, chúng ta cần giá trị gia tăng của các dự án đầu tư về sản xuất công nghiệp, dịch vụ trên đất đai hơn là thu từ đất đai, bởi nguồn lực đất đai là hữu hạn,” ông Hà nhấn mạnh.
Ông Hà cũng cho rằng cần phải định giá đất được theo thị trường. Cùng với đó là vấn đề tích tụ đất đai, chuyển cơ cấu lực lượng sản xuất với dịch chuyển cơ cấu nông nghiệp sang sản xuất dịch vụ và công nghiệp - đây cũng là một bài toán phải giải quyết nhưng nếu nếu xử lý không tốt sẽ nảy sinh các vấn đề xã hội khác.
Tương tự, vấn đề về quản lý đất đai, quy hoạch sử dụng đất đai… cũng cần phải xác định vai trò của Nhà nước thông qua việc xây dựng quy hoạch có chất lượng và tính toán được các yêu cầu về quản lý. Trong đó, đất đai cần phải được phục vụ cho phát triển và phải có doanh nghiệp thì mới phát triển.
Với quan điểm trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng cần phải giải quyết bài toán chia sẻ lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất với các dự án đầu tư, cụ thể là các doanh nghiệp, để đảm bảo hài hòa giữa các bên.
Dẫn ra ví dụ như trường hợp người dân bị thu hồi đất để làm bất động sản và trường hợp Nhà nước thu hồi đất để công trình công cộng, ông Hà đưa ra quan điểm cần giải quyết được hài hòa, chứ không thể thu hồi đất để làm bất động sản thì người dân được hưởng nhiều hơn, thu hồi đất làm công trình giao thông, công cộng thì người dân lại không được hưởng gì.
“Hay nói cách khác, trong mọi chính sách đất đai, phải tính đến phương án hài hòa giữa nhà nước với người dân và vì mục đích phát triển. Có nghĩa là người dân cần phải tham gia và người dân được hưởng lợi,” ông Hà nói thêm. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn nhìn nhận “đây là điều không dễ.”
Do đó, người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định sẽ dẫn dắt, xử lý các vấn đề về đất đai bằng ý chí, sự thấu hiểu và lắng nghe người dân. Trên cơ sở đó trình Trung ương ban hành Nghị quyết hợp lòng dân - “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra,” từ đó thể chế hóa bằng Luật Đất đai mới.
“Tôi mong muốn sớm nhất trong năm 2022, còn nếu không thì cũng sẽ xây dựng xong Luật Đất đai trong nhiệm kỳ này,” Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ./.