Bộ Y tế khuyến cáo phòng chống dịch bệnh do virus Zika

Trước sự lan rộng của dịch bệnh do virus Zika và nguy cơ xâm nhập cao vào Việt Nam, Bộ Y tế khuyến cáo các biện pháp phòng chống dịch bệnh này.
Bộ Y tế khuyến cáo phòng chống dịch bệnh do virus Zika ảnh 1Muỗi Aedes Aegypti, vật trung gian lây truyền virus Zika. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 5/2, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết theo thông báo của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu, đến ngày 28/1 có 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận virus Zika. Tại Việt Nam, chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh do virus Zika. Tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam là hoàn toàn có thể.

Khuyến cáo phòng bệnh

Cục Y tế dự phòng khẳng định các triệu chứng của bệnh do virus Zika có thể được điều trị bằng thuốc hạ sốt và giảm đau thông thường, nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Nếu triệu chứng xấu đi, mọi người nên đến cơ sở y tế gần nhất. Hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu hay vắcxin phòng bệnh này.

Để phòng chống bệnh do virus Zika, Bộ Y tế khuyến cáo biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tránh bị muỗi đốt. Điều này có thể được thực hiện bằng cách sử dụng thuốc chống côn trùng; mặc quần áo (tốt hơn là màu sáng) che càng kín cơ thể càng tốt; sử dụng các rào cản vật chất như lưới chống muỗi, đóng kín cửa ra vào và cửa sổ; ngủ màn.

Ngoài ra, người dân cần đổ hết nước, làm sạch hoặc đậy kín các thùng chứa nước như xô, chậu hoa hoặc lốp xe cũ, để loại bỏ những nơi muỗi có thể sinh sản.

Dựa trên những bằng chứng sẵn có, Tổ chức Y tế Thế giới không khuyến cáo bất kỳ hạn chế nào về thương mại hay du lịch liên quan đến bệnh do virus Zika.

Virus Zika được phát hiện vào năm 1947

Cục Y tế dự phòng nêu rõ virus Zika được phát hiện vào năm 1947 nhưng trong nhiều năm chỉ có một số trường hợp rải rác được phát hiện ở châu Phi và Nam Á. Năm 2007, dịch bệnh do virus Zika được ghi nhận đầu tiên ở Thái Bình Dương. Do môi trường nơi muỗi có thể sống, sinh sôi ngày càng mở rộng và tác động của đô thị hóa, toàn cầu hóa nên những vụ dịch bệnh lớn do virus Zika có khả năng xảy ra trên toàn cầu.

Người bị muỗi Aedes nhiễm bệnh đốt có thể nhiễm virus Zika - đây cũng là loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và bệnh sốt vàng. Có 2 loại muỗi Aedes có khả năng truyền virus Zika. Trong hầu hết các trường hợp, Zika lây lan qua muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Muỗi vằn Aedes không sống được ở nhiệt độ khí hậu lạnh hơn. Bên cạnh đó, muỗi Aedes albopictus cũng có thể truyền virus. Muỗi này có thể ngủ đông và tồn tại ở các vùng có nhiệt độ mát hơn.

Virus Zika thường gây bệnh nhẹ. Hầu hết những người bị bệnh do virus Zika sẽ bị sốt nhẹ và phát ban. Những người khác cũng có thể bị viêm kết mạc, đau cơ, đau khớp và cảm thấy mệt mỏi. Các triệu chứng thường hết trong khoảng từ 2 đến 7 ngày.

Những biến chứng tiềm ẩn của virus Zika

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), từ trước năm 2007 không có vụ dịch do virus Zika lớn nào được ghi nhận nên hiểu biết về các biến chứng của bệnh này là rất hạn chế.

Năm 2015, cơ quan y tế địa phương ở Brazil cũng quan sát thấy có sự gia tăng trẻ sơ sinh với dị tật đầu nhỏ cùng thời điểm bùng phát dịch bệnh do virus Zika. Cơ quan y tế và các cơ quan khác đang điều tra mối liên quan tiềm năng giữa tật đầu nhỏ và virus Zika bên cạnh những nguyên nhân có thể khác.

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết Cơ quan y tế đang điều tra mối liên quan tiềm năng giữa virus Zika ở phụ nữ mang thai và dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh của họ. Cho đến khi có thể hiểu rõ hơn về mối liên quan này, những phụ nữ đang mang thai hoặc dự định có thai cần hết sức lưu ý bảo vệ mình khỏi bị muỗi đốt.

Dị tật đầu nhỏ là một tình trạng hiếm gặp khi một trẻ sơ sinh có đầu nhỏ bất thường. Bệnh là do sự phát triển não không bình thường của trẻ từ khi còn trong bụng mẹ hoặc trong giai đoạn sơ sinh. Trẻ sơ sinh và trẻ em bị tật đầu nhỏ thường gặp phải những khó khăn với sự phát triển não bộ khi chúng lớn lên.

Tật đầu nhỏ có thể do ảnh hưởng của một loạt các yếu tố môi trường và di truyền như hội chứng downs; sử dụng hay tiếp xúc với ma túy, rượu hoặc các chất độc khác trong tử cung hoặc nhiễm rubella trong khi mang thai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục