Bộ Y tế thông tin liên quan đến việc chuyển tuyến trong khám chữa bệnh

Đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh với điều kiện hiện nay, có thể khẳng định không thể thông tuyến đến tuyến trung ương và bỏ quy định về chuyển tuyến vì sẽ gây quá tải, áp lực dồn lên tuyến trung ương.

Quét mã QR trên Căn cước công dân của bệnh nhân khi đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)
Quét mã QR trên Căn cước công dân của bệnh nhân khi đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Những ngày qua, các vấn đề liên quan đến vướng mắc, bất cập trong việc có giữ tuyến hay không cần giữ tuyến, bỏ giấy chuyển tuyến hay tiếp tục giữ giấy chuyển tuyến, có nên thông cả lên tuyến trung ương hay không… trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được thảo luận sôi nổi trên nghị trường Quốc hội, ngay cả một số nhà chuyên môn ngành y cũng có ý kiến khác nhau.

Tại Hội nghị về đổi mới công tác đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong Dự án Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi, do Bộ Y tế tổ chức ngày 1/12 tại Hà Nội, Thạc sỹ Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) nhấn mạnh với điều kiện hiện nay, có thể khẳng định không thể thông tuyến đến tuyến trung ương và bỏ quy định về chuyển tuyến vì sẽ gây quá tải, áp lực dồn lên tuyến trung ương và xáo trộn cả hệ thống khám chữa bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, mất cân đối Quỹ Bảo hiểm Y tế.

Mỗi năm Quỹ bảo hiểm y tế chi hơn 110 nghìn tỷ đồng

Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế phân tích các cơ sở tuyến Trung ương được giao chức năng tuyến cuối, tập trung điều trị bệnh nặng, triển khai kỹ thuật chuyên sâu, nghiên cứu khoa học, đào tạo nên không thể tập trung vào khám và điều trị các bệnh lý thông thường, chăm sóc ban đầu. Việc quá tải cũng có nguy cơ gây sai sót, tai biến, giảm chất lượng và hiệu quả điều trị, ảnh hưởng đến người bệnh.

Theo thống kê của Bộ Y tế, sau 15 năm ban hành Luật Bảo hiểm Y tế, Việt Nam đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đến nay đã đạt gần 91 triệu người, với khoảng 92% dân số; số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế gia tăng với 150,5 triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2022 và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế cũng ngày càng được mở rộng.

Mỗi năm, Quỹ bảo hiểm y tế chi khoảng hơn 110 nghìn tỷ đồng cho khám chữa bệnh. Nguồn kinh phí do Quỹ Bảo hiểm Y tế chi trả cho chi phí khám chữa bệnh đang chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn thu của bệnh viện; chất lượng dịch vụ y tế ngày càng được nâng cao.

Theo quy định, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu là nơi người tham gia bảo hiểm y tế đăng ký để quản lý thông tin, là nơi đầu tiên người bệnh đến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và là cơ sở để xác định người tham gia bảo hiểm y tế được khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đúng tuyến chuyên môn kỹ thuật và xác định phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế của người bệnh nên có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

400859156_2594521150707990_8682883401593765016_n.jpg
Thạc sỹ Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Giấy chuyển tuyến có ý nghĩa quan trọng, cần thiết trong việc cung cấp các thông tin cơ bản như: Cơ sở đã điều trị, cơ sở người bệnh được chuyển đến, lý do chuyển tuyến, tình trạng bệnh, lịch sử điều trị, tóm tắt bệnh án... giúp cơ sở tiếp nhận có thông tin kịp thời, tổng quát về người bệnh để tiếp nhận, chăm sóc, điều trị người bệnh được nhanh chóng, thuận tiện, dễ dàng trao đổi thông tin giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh...

“Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập như: quy định đăng ký khám chữa bệnh ban đầu còn nặng về hành chính, chưa thuận lợi khi người bệnh đi khám tại cơ sở khám chữa bệnh khác ở tuyến tương đương hoặc thấp hơn ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh. Thủ tục chuyển tuyến, cấp giấy chuyển tuyến còn có tình trạng gây phiền hà cho người bệnh, thậm chí có trường hợp phát sinh tiêu cực, xin cho, giữ bệnh nhân lại gây bức xúc,” bà Trang cho hay.

Đặc biệt, từ ngày 1/1/2016, việc thông tuyến khám chữa bệnh giữa trạm y tế tuyến xã, phòng khám đa khoa và bệnh viện tuyến huyện; từ 01/01/2021 việc thông tuyến tỉnh trên toàn quốc đối với khám chữa bệnh nội trú cũng tạo ra nhiều vướng mắc liên quan đến tuyến, vượt tuyến, chuyển tuyến, gây ra tình trạng quá tải trở lại ở tuyến trên và giảm tỷ lệ khám chữa bệnh tại y tế cơ sở. Toàn quốc có gần 10.000 trạm y tế xã có khám chữa bệnh ban đầu nhưng năm 2022 giảm chỉ còn chiếm 14% lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tăng số lượt khám chữa bệnh nội trú trái tuyến tại tuyến tỉnh…

Sẽ mở rộng phạm vi chi trả bảo hiểm y tế cho tuyến dưới

Theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh, căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phân thành 4 tuyến chuyên môn kỹ thuật nhằm xác định quy mô, phạm vi hoạt động chuyên môn, năng lực thực hiện kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, từ đó phân luồng bệnh nhân phù hợp với tình trạng bệnh tật, bảo đảm cân đối năng lực tiếp nhận và chất lượng chăm sóc, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tránh quá tải hệ thống.

Theo Bộ Y tế, căn cứ năng lực chuyên môn, khả năng đáp ứng của cơ sở và tình trạng bệnh tật, người bệnh đến khám và điều trị tại cơ sở phù hợp. Trường hợp tình trạng bệnh tật vượt quá khả năng chuyên môn của tuyến dưới, cơ sở thực hiện chuyển người bệnh lên tuyến trên phù hợp. Trường hợp người bệnh điều trị ở tuyến trên đã ổn định nhưng cần tiếp tục theo dõi, căn cứ tình trạng bệnh tật (đã ổn định…) và điều kiện thực tế (ví dụ cơ sở tuyến trên quá tải…), cơ sở có thể chuyển người bệnh về tuyến dưới để tiếp tục điều trị, chăm sóc. Cơ sở cấp cho người bệnh giấy chuyển tuyến theo mẫu quy định.

Bà Trang cho hay Bộ Y tế đang tăng cường chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực và mở rộng phạm vi chi trả bảo hiểm y tế cho tuyến dưới. Các cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới có đủ năng lực, được đầu tư có thể triển khai kỹ thuật và sử dụng thuốc của tuyến trên. Bộ Y tế cũng kiến nghị Chính phủ cho phép sớm tính đủ giá dịch vụ y tế, có cơ chế tài chính đột phá và thu hút nhân lực chất lượng cho y tế cơ sở; áp dụng hình thức giấy chuyển tuyến điện tử để việc cấp giấy chuyển tuyến được thuận tiện, nhanh chóng...

Hiện nay, Bộ Y tế đang tích cực xây dựng dự án Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi để trình Quốc hội dự kiến vào tháng 5/2024. Đây là dịp thuận lợi để sửa đổi, bổ sung, đổi mới các các quy định về đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế để đáp ứng yêu cầu của công tác khám chữa bệnh cũng như kỳ vọng của người dân.

Bên cạnh đó, Luật Khám bệnh chữa bệnh năm 2023 sẽ có hiệu lực từ 01/01/2024 quy định về 3 cấp chuyên môn (thay thế 4 tuyến chuyên môn kỹ thuật hiện hành) đòi hỏi nội dung trong Dự án Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi phải điều chỉnh cho phù hợp với Luật Khám bệnh chữa bệnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục