"Bơi lội Việt Nam kém 20 năm so với Đông Nam Á"

Theo tiến sĩ Chung Tấn Phong, trình độ bơi lội Việt Nam sau 50 năm vẫn ở vị trí thứ 6 khu vực, trừ các nội dung bơi bướm và ếch.
Theo tiến sĩ Chung Tấn Phong, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bơi lặn Yết Kiêu, Thành phố Hồ Chí Minh, trình độ bơi lội Việt Nam sau 50 năm vẫn đứng ở vị trí thứ 6 (sau Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia), lạc hậu hơn khoảng 20 năm so với các nước Đông Nam Á, trừ các nội dung bơi bướm và ếch.

Qua tham luận “Làm gì để bơi lội Thành phố Hồ Chí Minh đoạt huy chương vàng SEA Games?” tại Hội thảo Giải pháp phát triển Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, tiến sĩ Phong cho rằng sự thua kém của bơi lội Việt Nam so với các nước trong khu vực là “sự thua kém của cả một hệ thống”.

Việc thua kém đó thể hiện qua số lượng câu lạc bộ bơi lội ở từng địa phương và số lượng các địa phương đầu tư căn cơ trong môn bơi lội rất ít so với các nước; hệ thống thi đấu trong nước còn nghèo nàn, ít tham gia thi đấu quốc tế; lực lượng huấn luyện viên không có trình độ ngoại ngữ, hạn chế trong việc cập nhật kiến thức (đặc biệt là phần huấn luyện kỹ thuật), chưa được phân loại theo chuẩn quốc tế…

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm bơi lội mạnh nhất nước, là “mũi nhọn” tại các giải trong nước nhưng chỉ là “mũi tả" tại các giải quốc tế, SEA Games, do đó đẩy mạnh thành tích bơi lội thành phố để là “mũi nhọn” ở cả đấu trường quốc gia và quốc tế là yêu cầu bức thiết được đặt ra.

Từ trường hợp thành công của tay bơi trẻ Nguyễn Thị Kim Tuyến (16 tuổi, đoạt 10 huy chương vàng, 2 huy chương bạc, phá 8 kỷ lục quốc gia tại giải vô địch quốc gia 2009, hạng 4 SEA Games 25), ông Phong cho rằng thành phố cần đặt quyết tâm, đầu tư hơn nữa cho các tài năng trọng điểm, đầu tư từ nhỏ, đầu tư chuyên biệt, thay đổi quan điểm huấn luyện, lựa chọn nội dung trọng điểm, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào quá trình huấn luyện… để có thể đoạt huy chương vàng SEA Games trong thời gian tới.

Cũng theo chuyên gia bơi lội này, để có thể rút ngắn trình độ của bơi lội Thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam với khu vực thì con đường nhanh nhất là học theo cách làm của Singapore, mời một “tổng công trình sư” từ các cường quốc bơi lội thế giới (Mỹ, Australia) về làm giám đốc kỹ thuật để tham mưu và thiết kế lại toàn bộ hệ thống đào tạo trong nước. Tuy nhiên, giải pháp này lại “vướng” khi mức lương cho các “giám đốc kỹ thuật” này không thể dưới 15.000 USD/tháng, vượt khung kinh phí thuê chuyên gia hiện nay của thành phố./.

Hoàng Liên Sơn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục