Bốn ngân hàng thương mại Nhà nước đồng loạt giảm lãi suất tới 0,5%

Với việc giảm mạnh lãi suất huy động của các ngân hàng lần này sẽ là điều kiện để các tổ chức tín dụng giảm tiếp lãi suất lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khôi phục sản xuất.
Bốn ngân hàng thương mại Nhà nước đồng loạt giảm lãi suất tới 0,5% ảnh 14 ngân hàng thương mại Nhà nước đồng loạt giảm mạnh lãi suất huy động. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 23/8, bốn đơn vị là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tiếp tục mạnh tay hạ lãi suất từ 0,3 đến 0,5 điểm % ở nhiều kỳ hạn, đưa mức lãi suất huy động tối đa xuống 6%/năm.

Cụ thể, tất cả các ngân hàng Agribank, VietinBank, Vietcombank và BIDV đều hạ lãi suất kỳ hạn dưới 12 tháng (1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 9 tháng) thêm 0,3 điểm %. Do vậy, suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng giảm từ 3,3%/năm xuống còn 3%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng giảm từ 4,1%/năm xuống 3,8%/năm, trong khi lãi suất kỳ hạn 6 và 9 tháng tụt từ 5%/năm xuống mức 4,7%/năm. 

[Yêu cầu các ngân hàng giảm thêm 1,5-2% lãi vay, kể cả với khoản vay cũ]

Ở kỳ hạn 12 tháng, nhóm Big4 đã đưa lãi suất tiền gửi từ 6,3% xuống còn 5,8%/năm tương đương mức điều chỉnh 0,5 điểm %. Như vậy, Agribank, BIDV, VietinBank và Vietcombank đã lấy lại vị trí nhóm những ngân hàng thương mại có lãi suất huy động thấp nhất tại Việt Nam.

Ở các kỳ hạn 24 tháng, Agribank đang đưa ra mức lãi suất 5,5%/năm, giảm 0,5 điểm % so với lần điều chỉnh trước đó và là ngân hàng có lãi suất huy động thấp nhất. Trong khi đó, VietinBank, Vietcombank và BIDV cùng áp dụng mức lãi suất 5,8%/năm cho những kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, giảm 0,5 điểm % so với trước khi điều chỉnh. 

Trước đó, nhóm ngân hàng tư nhân cũng đã có đợt giảm lãi suất huy động mạnh từ 0,3%-0,8% ở một số kỳ hạn và hiện dao động trong khoảng từ 6,2%-6,9%/năm.

Một số ngân hàng như Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng đã đưa lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng xuống chỉ còn lần lượt 6,2%/năm và 6,1%/năm.

Trong thời gian vừa qua, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước liên tục có những chỉ đạo nhằm hạ mặt bằng lãi suất cho vay. Hạ lãi suất huy động giúp tạo điều kiện cho lãi suất cho vay đi xuống. 

Trong văn bản chỉ đạo mới nhất, Ngân hàng Nhà nước  yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5%-2%/năm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước  cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới trước ngày 25/8.

Với việc giảm mạnh lãi suất huy động của các ngân hàng lần này sẽ là điều kiện để các tổ chức tín dụng giảm tiếp lãi suất lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Bốn ngân hàng thương mại Nhà nước đồng loạt giảm lãi suất tới 0,5% ảnh 2Giao dịch tại Agribank. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Như vậy sau lần điều chỉnh lần này, lãi suất huy động tại 4 ngân hàng lớn đã trở về mức thấp nhất hệ thống. So với mức đỉnh từ 9%-10%/năm hồi đầu năm, lãi suất huy động tại các ngân hàng đã giảm sâu sau 4 đợt điều chỉnh lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

Dù vậy, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng lại cho rằng việc giảm lãi suất hỗ trợ không phải là vấn đề cốt lõi giúp cho các doanh nghiệp phục hồi. Bởi dù giảm lãi suất nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng đủ điều kiện vay ngân hàng như tài sản đảm bảo không đủ, kinh doanh thua lỗ, cơ cấu nợ, điều chỉnh trả nợ để được vay tiếp hoặc không quản lý được dòng tiền. Do đó, ngân hàng không có đủ cơ sở đảm bảo để cho vay tiếp.

Trên thực tế, kinh tế khó khăn, nguồn lực của doanh nghiệp bị cạn kiệt dẫn tới việc các doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng và ngân hàng cũng không thể tự ý hạ tiêu chuẩn, giảm các quy định, điều kiện cho vay mà vẫn phải theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quản trị rủi ro, an toàn hệ thống./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục