Ngày 6/7, các đảng phái chính trị ở Brazil đã chính thức khởi động chiến dịch vận động tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào đầu tháng Mười tới.
Cuộc tổng tuyển cử lần này sẽ bầu các vị trí quan trọng trong chính quyền, quốc hội cũng như hệ thống chính quyền và lập pháp bang.
Hiện các ứng cử viên đã có thể bắt đầu các chiến dịch tranh cử của riêng mình bằng các hình thức như tiếp xúc cử tri, vận động trực tuyến... Tuy nhiên, các hình thức vận động thông qua các kênh truyền hình và phát thanh chỉ được phép bắt đầu từ ngày 19/8.
Theo giới phân tích, cuộc đua vào ghế tổng thống Brazil chủ yếu diễn ra giữa Tổng thống đương nhiệm Dilma Rousseff - ứng cử viên của đảng Lao Động (PT) cầm quyền; Thượng nghị sỹ Aecio Neves - đại diện của đảng Dân chủ Xã hội Brazil (PSDB); và ông Eduardo Campos - ứng cử viên của đảng Xã hội.
Ước tính, chiến dịch vận động tranh cử của các ứng cử viên này sẽ tiêu tốn khoảng 235 triệu USD.
Kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy Tổng thống Rousseff nhiều khả năng sẽ tái đắc cử nhiệm kỳ hai.
Theo thăm dò của hãng Datafolha công bố tuần trước, khoảng 38% cử tri có ý định bỏ phiếu cho bà Rousseff, chủ yếu do những nỗ lực của bà trong việc tổ chức thành công World Cup 2014.
Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ dành cho hai ứng cử viên Neves và Campos chỉ đạt lần lượt 20% và 9%.
Bà Rouseff, 66 tuổi, nhậm chức năm 2011 và trở thành nữ tổng thống đầu tiên tại quốc gia lớn nhất Mỹ Latinh. Ở thời điểm cuối năm 2012, bà từng nhận được tỷ lệ ủng hộ cao ngất ngưởng 78% nhưng làn sóng biểu tình hồi tháng 6-7/2013 đã khiến uy tín của bà và Chính phủ Brazil sụt giảm xuống mức kỷ lục 30%.
Vào giai đoạn đỉnh điểm của đợt biểu tình, hàng triệu người Brazil đã xuống đường mỗi ngày, đòi cải thiện điều kiện sống, phản đối chi phí sinh hoạt đắt đỏ, lên án chính phủ tiêu tốn hàng tỷ USD chuẩn bị cho World Cup 2014 và Đại hội thể thao Olympic mùa Hè 2016 mà nước này đăng cai.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Brazil cũng bị chỉ trích về cách điều hành kinh tế kém hiệu quả so với người tiền nhiệm Lula da Silva.
Hiện nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ và lớn thứ 6 thế giới này được dự báo tăng trưởng khiêm tốn ở mức 1% trong năm nay, trong khi lạm phát gần vượt mức trần 6,5%./.