Brexit không thỏa thuận - giá đắt và nguy hiểm đối với châu Âu và Anh

Nếu Anh rời EU vào cuối tháng 10 tới, về mặt lý thuyết, sẽ còn 2 tháng cần bổ sung ngân sách, tương đương với khoảng 3 tỷ euro trong tổng số 17,6 tỷ euro đóng góp hàng năm của Anh.
Brexit không thỏa thuận - giá đắt và nguy hiểm đối với châu Âu và Anh ảnh 1Một Brexit không thỏa thuận sẽ để lại hệ lụy gì cho nước Anh? (Nguồn: AFP)

Chỉ còn ít ngày nữa là đến thời hạn Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, thế nhưng đến nay vẫn còn nhiều đồn đoán về một Brexit không thỏa thuận.

Theo nhận định của báo Pháp Le Monde, một Brexit không thỏa thuận - nếu xảy ra - sẽ là cái giá quá đắt đối với châu Âu và quá nguy hiểm đối với Anh.

Theo báo Le Monde, giới kinh tế đã nhận thấy những thách thức liên quan đến vấn đề ngân sách nếu có một Brexit không thỏa thuận. Vấn đề đóng góp cho ngân sách năm 2019 của EU dường như đã được tính đến.

[Thủ tướng Anh sẽ làm gì để thực hiện quyết tâm Brexit đúng hạn?]

Nếu Anh rời EU vào cuối tháng 10 tới, về mặt lý thuyết, sẽ còn 2 tháng cần bổ sung ngân sách, tương đương với khoảng 3 tỷ euro trong tổng số 17,6 tỷ euro đóng góp hàng năm của Anh (14,3 tỷ euro được lấy từ các khoản thu thuế quốc gia và 3,3 tỷ euro từ thuế hải quan đánh vào hàng nhập khẩu).

Để phòng ngừa khoản thiếu hụt này, tháng 7/2019, Hội đồng châu Âu đã thông qua một quy định buộc Anh sẽ vẫn phải trả tiền đóng góp ngân sách cho EU trong năm nay ngay cả trong trường hợp Brexit không có thỏa thuận. Quy định này đề cập đến một cam kết của Anh.

Tuy nhiên, vấn đề dòng tài chính năm 2020 còn phức tạp hơn nhiều. Ủy ban châu Âu dự tính duy trì mức chi tiêu của châu Âu ở Anh vào khoảng 6,3 tỷ euro, trong đó hơn một nửa chi cho chính sách nông nghiệp chung (CAP) nếu Anh vẫn tiếp tục đóng góp vào ngân sách.

Thế nhưng, dường như mức chi tiêu này là không khả thi bởi các khoản đóng góp không tương xứng. Trong trường hợp Anh không tiếp tục đóng góp vào ngân sách EU, EU phải huy động ngân sách từ các thành viên còn lại.

Thách thức thực sự về vấn đề ngân sách chính là việc giải quyết các cam kết pháp lý và ngân sách trước năm 2019.

Điều này liên quan đến quá trình thực hiện các cam kết và giải ngân cũng như liên quan đến các phương pháp tính toán đóng góp của các nước được cập nhật theo dữ liệu kinh tế của các quốc gia thành viên và sự điều chỉnh khoản đóng góp của Anh. Sự điều chỉnh này tương đương với khoảng 5,2 tỷ euro vào năm 2020.

Ngay cả khi Anh không trả gì, 27 quốc gia thành viên EU còn lại sẽ có nghĩa vụ phải trả cho Anh khoản điều chỉnh này của năm 2019.

Trên thực tế, cũng như mọi quốc gia thành viên khác, Anh đã tham gia các chương trình châu Âu, bao gồm các quỹ liên kết và các chương trình nghiên cứu nhiều năm trong khung tài chính 2014-2020.

Ngoài ra, Anh cũng phải đảm nhận các chi phí tương ứng. Bản thỏa thuận Brexit tháng 11/2018 cũng đã dự tính một phương pháp tính toán để đánh giá tất cả các khoản chi phí của mỗi bên.

Ủy viên về các vấn đề kinh tế của Pháp Pierre Moscovici được tờ Le Monde trích lời cho rằng phương pháp tính toán này sẽ kéo theo một khoản hóa đơn “ly hôn” từ 40-45 tỷ euro. Khoản hóa đơn này hoàn toàn "không được thảo luận" trong tiến trình Brexit.

Thách thức về vấn đề ngân sách rõ ràng sẽ gây ra những hậu quả cho tất cả các quốc gia thành viên ở mức độ khác nhau.

Điều này khiến Ủy ban châu Âu buộc phải có kế hoạch huy động một số quỹ khẩn cấp (quỹ đoàn kết và quỹ điều chỉnh toàn cầu hóa) để bù đắp khoản đóng góp thiếu hụt của Anh.

Ngoài ra, việc thanh toán hóa đơn “ly hôn” này chủ yếu dựa vào Đức, quốc gia đóng góp nguồn tài chính lớn nhất cho ngân sách châu Âu (20,5%). Chắc chắn, Đức sẽ tìm kiếm và áp đặt cho các đối tác của mình một bản thỏa thuận.

Nếu xảy ra một Brexit không thỏa thuận, đây sẽ là một khó khăn nghiêm trọng đối với cặp Pháp-Đức trong bối cảnh hiện nay.

Một Brexit không thỏa thuận sẽ để lại hệ lụy gì cho nước Anh? Báo Le Monde cho rằng những tác động gián tiếp sẽ là đáng kể, đó chính là uy tín của đất nước sẽ bị đe dọa. Anh có thể tuyên bố là một mô hình dân chủ vô song. Ở Anh, Quốc hội và chính phủ hành động theo kết quả của cuộc bỏ phiếu toàn dân.

Điều này không phải lúc nào cũng đúng. Quá khứ từng chứng kiến sự “lố bịch” của Pháp tại thời điểm từ chối hiệp ước thiết lập hiến pháp cho châu Âu bằng cách trưng cầu dân ý, được Quốc hội bỏ qua; hay những “trò hề” của Ireland khi EU yêu cầu nước này bỏ phiếu lại lần thứ hai do lần đầu tiên không làm đúng…

Bất cứ người nào khi đề cập đến Brexit thoạt tiên đều nghĩ rằng Anh là một mô hình dân chủ. Tuy nhiên, hiện Anh đang bị giới tài chính đánh giá thấp do tình trạng bất ổn cũng như những rủi ro tài chính.

Sự suy giảm ngân sách của Anh chắc chắn sẽ dẫn đến giai đoạn suy thoái mới, tác động xấu đến tỷ lệ lãi suất, đồng bảng Anh và uy tín của đất nước.

Đây thực sự là một canh bạc lớn đầy rủi ro đối với Anh. Paris nhiều khả năng sẽ thay Anh trở thành một trung tâm tài chính quốc tế hậu Brexit./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục