Bức tranh ảm đạm của ngành du lịch thế giới

Ngày 2/7, Tổ chức Du lịch thế giới thông báo hoạt động du lịch toàn cầu trong 4 tháng đầu năm nay giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 2/7, Tổ chức Du lịch thế giới thông báo hoạt động du lịch toàn cầu trong 4 tháng đầu năm nay giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Trong 4 tháng qua, số khách du lịch nước ngoài tới các điểm du lịch trên thế giới là 247 triệu lượt người, so với 269 triệu lượt người cùng kỳ năm ngoái. Tổ chức Du lịch thế giới dự báo hoạt động du lịch tiếp tục giảm 4-6% từ tháng 5 đến tháng 8, sau đó giảm nhẹ hơn trong những tháng cuối năm nay, từ 3 đến 5%. Tổ chức này cũng cho rằng thị trường du lịch thế giới khó có thể phục hồi trước năm 2010.
 
Trừ châu Phi, tất cả các khu vực khác đều có số khách du lịch giảm trong thời gian qua. Số khách du lịch tới châu Phi tăng 3%, chủ yếu là tới các danh lam và di tích ở Bắc Phi và vùng Địa Trung hải. Sự phục hồi của ngành du lịch Kenya cũng góp phần thu hút khách du lịch tới thăm vùng sa mạc Nam Sahara.
 
Số khách du lịch tới châu Âu giảm 10%, tới châu Á-Thái Bình Dương giảm 6% và tới châu Mỹ giảm 5%. Khách du lịch tới Trung Đông cũng giảm mạnh, khoảng 18%.
 
Tổ chức Du lịch thế giới cho rằng bức tranh ảm đạm của ngành du lịch quốc tế tiếp diễn từ nửa cuối năm 2008 và sẽ tồi tệ hơn trong năm 2009. Một loạt yếu tố được coi là đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới du lịch quốc tế: triển vọng phục hồi kinh tế ở phần lớn các quốc gia đều được dự báo sẽ chậm hơn; sự giảm sút của hoạt động kinh doanh và thu nhập dôi dư của người lao động; tình trạng thất nghiệp gia tăng nhất là ở những thị trường du lịch chủ chốt.
 
Ngoài ra, sự biến động của tỷ giá hối đoái, hoạt động kinh doanh không ổn định và niềm tin của người tiêu dùng chưa phục hồi cũng là những nhân tố tác động xấu tới triển vọng du lịch trong năm nay.
 
Tổ chức trên cho biết thêm trong năm 2008 tổng doanh thu của ngành du lịch thế giới đạt 944 tỷ USD, tăng 1,8% so với 857 tỷ USD năm 2007./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục