Vào lúc sân khấu truyền thống không có được vị trí “thời thượng” trong thị hiếu thưởng thức nghệ thuật của công chúng thì những người đeo đẳng với nghề vẫn có những lý do để yêu nghệ thuật và tin vào con đường phía trước. Nhân dịp đầu xuân mới, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với Nghệ sỹ ưu tú Lê Chức-Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam về những bước đi của sân khấu để cùng hòa nhịp với đời sống văn hóa-xã hội không ít những thách thức hiện nay. - Thưa Nghệ sỹ ưu tú Lê Chức, với tư cách là Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, ông đánh giá thế nào về tình hình sân khấu năm qua?NSƯT Lê Chức: Sân khấu 2012 có là một bức tranh nhiều màu nhưng không sắc nét và thiếu những điểm nhấn cần thiết. Mặc dù, xét một cách công bằng, năm vừa rồi, sân khấu vẫn có những vở diễn tạo được tiếng vang như “Nhà ôsin,”“Những mặt người thấp thoáng,”“Huyết lạnh”… Tuy nhiên, chúng chưa trở thành dấu ấn đậm nét khiến chúng ta thốt lên một sự tâm phục, khẩu phục hoàn toàn. Hiện nay, chúng ta thấy có hai dòng chảy song song của sân khấu: Thứ nhất, sân khấu với những đề tài, định hướng thẩm mỹ theo quan điểm, hướng đi của nghệ thuật chính thống. Thứ hai, sân khấu của đời thường với những câu chuyện của đời sống sinh hoạt thường nhật; thậm chí, có thể gọi là sân khấu thương mại, miễn là bán được vé. Kịch ma, kịch kinh dị hay những vở diễn có những yếu tố của sex… trong một phạm vi, một giới hạn nào đó và ở một nhóm đối tượng người xem nào đó thì rất ăn khách. Ở các sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh, có những thời điểm, những vở thuộc nhóm này được diễn tới 3 suất/ngày. Còn những vở diễn về Đảng, cách mạng, về những vấn đề ngày mà hôm nay rất cần được quan tâm với hai trách nhiệm “công dân” và “nghệ sỹ” thì lại không có người xem. Trong chúng ta, ai cũng hiểu, một vở diễn mà không có người xem thì đó là một tác phẩm sân khấu chết. Thế nhưng, một vở diễn mà có đông người tới xem thì chưa chắc đã là một vở diễn tiêu biểu, thể hiện được những vấn đề được đặt ra trong đời sống xã hội giai đoạn đó. Hai dòng sân khấu đó vẫn song hành với nhau. Nếu cả hai có thể “bắt gặp” nhau ở một điểm nào đó thì đấy là điều rất đáng mừng. Trong trường hợp ngược lại, cũng không ai có thể phủ nhận được chúng. - Có vẻ hiện nay hài kịch vẫn lấn át chính kịch, thưa ông?NSƯT Lê Chức: Chính kịch hay hài kịch thì cũng đều vô cùng cần thiết trong cuộc sống hiện nay. Điều đó cũng giống như việc, bên cạnh những phút trầm tư, bình tĩnh để lắng lại, suy nghĩ và nhìn nhận lại cuộc sống thì con người cũng cần những phút thư giãn với những tiếng cười sảng khoái. Mấy chục năm trước, không ai nói tới sân khấu giải trí cả. Từ khoảng 10 năm trở lại đây, chữ “giải trí” bắt đầu xuất hiện, nhưng theo đúng định hướng thì nó cần được hiểu là “giải trí lành mạnh.” Những người có lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp vẫn luôn ý thức rằng: Cần giữ cho văn hóa giá trị của bữa tiệc tinh thần. Bởi sản phẩm văn hóa được làm ra từ sự rung cảm tâm hồn của con người. Nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng vẫn luôn phải hướng đến Chân-Thiện-Mỹ. Nhưng nếu Chân-Thiện-Mỹ theo kiểu cũ thì đôi khi sẽ không phù hợp với điều kiện thực tế của ngày hôm nay. Những người làm nghề vẫn luôn phải sáng tạo, khai thác và thể hiện cho phù hợp với tâm lý tiếp nhận của ngày hôm nay. Trong các vở diễn thuộc bất kỳ loại hình sân khấu nào vẫn luôn có những vấn đề của lý trí, vẫn làm nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động; nhưng nó hô hào bằng ngôn ngữ của nó. Bởi vậy, khi khán giả đi xem một vở chính kịch, kịch hàn lâm, có thể họ sẽ thấy như đi dự một buổi họp. Dù vậy, trong nó vẫn có những nét tinh tế riêng vì những thông điệp đó được chuyển tải bằng những cách điệu nghệ thuật riêng. Đã gọi là bữa tiệc thì sẽ có rất nhiều món. Mỗi người có trình độ nhận thức và nhu cầu khác nhau nên họ sẽ lựa chọn cho mình những “món” khác nhau. Bởi vậy, chúng ta cần phân định rõ ràng: Loại tác phẩm nào phục vụ cho nhóm đối tượng nào. Với nghệ thuật, ta không thể đòi hỏi một sự đại trà, tuyệt đối được, cũng như việc người nghèo thì không thể vào những nhà hàng sang trọng, cao cấp. Thời gian qua, sân khấu tồn tại một thực tế: Hài kịch thu hút được số lượng người xem không hề nhỏ. Trong khi đó, có những vở chính kịch mang giá trị nhận thức, giá trị thẩm mỹ vô cùng sâu sắc thì lại vô cùng thưa vắng khán giả, kể cả có vé mời, người ta cũng không mấy mặn mà. - Năm 2012, nhiều đơn vị nghệ thuật cùng dựng một kịch bản. Ông nghĩ gì về vấn đề này?NSƯT Lê Chức: Trong năm 2012, kịch bản “Biển và bờ” đã trở thành một hiện tượng khi được sáu đơn vị nghệ thuật cùng dựng vở. Công ty Phước Sang mời Nghệ sỹ nhân dân Trần Ngọc Giàu dựng kịch bản này thành vở diễn mang tên “Tội ác và quyền lực.” Khi tham gia Liên hoan Sân khấu Kịch chuyên nghiệp toàn quốc (vào tháng 7), vở diễn giành giải vàng. Cũng với kịch bản, Nghệ sỹ nhân dân Giang Mạnh Hà dựng vở cho Đoàn Cải lương Hải Phòng đi dự Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc, được giải bạc. Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam cũng dựng vở “Biển và bờ.” Vở diễn này cũng giành giải bạc tại Liên hoan Sân khấu Kịch chuyên nghiệp toàn quốc...
Một cảnh trong vở kịch "Biển và bờ" do Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam dàn dựng (Ảnh: TTVH)
Điều này cho thấy chúng ta đang thiếu những kịch bản hay, cần cho sân khấu hôm nay. Khi có một kịch bản tốt, nó lập tức được nhiều đơn vị, nhiều loại hình sân khấu cùng khai thác. - Nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta cần phải “đào tạo khán giả cho sân khấu,” việc này được triển khai ra sao, thưa ông?NSƯT Lê Chức: Để vực dậy và phát triển được nền sân khấu truyền thống của dân tộc, chúng ta cần một kế hoạch dài hạn và đồng bộ. Trong đó, việc đào tạo khán giả là rất quan trọng. Trên thực tế, nhiều đơn vị nghệ thuật cũng đã có những động thái riêng để “nuôi dưỡng” khán giả cho mình. Ở phạm vi lớn hơn, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc thực hiện dự án “Sân khấu học đường” với sự giúp đỡ của Quỹ Ford hướng tới mục tiêu: Đào tạo khán giả và nghệ sỹ cho sân khấu truyền thống. Tuy nhiên, nó cũng chỉ như “muối bỏ bể,” một “cơn mưa bóng mây” lộp bộp, lộp bộp… rồi thôi. Đến thời điểm này, dự án đã kết thúc nhưng hiệu quả vẫn chưa thấy rõ. Chúng ta vẫn chưa chọn lọc, tập hợp được từ đó những em có năng khiếu, có khát vọng đi theo con đường nghệ thuật để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng. Vấn đề đặt ra vẫn là: Những tác động từ dự án này đọng lại trong các em học sinh được bao lâu? Các nghệ nhân, nghệ sỹ nhờ có dự án đó mà đã có điều kiện tới trực tiếp các trường học diễn và hướng dẫn các em học sinh. Nhưng khi dự án kết thúc thì họ lại phải “ngồi nhà.” Nếu chúng ta không thực sự quan tâm tới một thế hệ khán giả, một thế hệ làm nghề kế cận, thì nghệ thuật truyền thống sẽ chỉ là “cổ vật” trong bảo tàng hay chỉ được lưu giữ trong các đơn vị nghệ thuật chứ không được sống trong đời sống của nhân dân. - Với tư cách là một tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, trong năm 2013, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam có kế hoạch gì để thúc đẩy sự phát triển của ngành?NSƯT Lê Chức: Trong năm 2013, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam sẽ phối hợp với Cục Nghệ thuật Biểu diễn và các đơn vị khác để thực hiện một số liên hoan như: Liên hoan Sân khấu Dù kê (một loại hình nghệ thuật của đồng bào dân tộc Khmer), Liên hoan Sân khấu Tuồng và Liên hoan dành cho các đạo diễn trẻ với mục đích tạo ra những sân chơi chuyên nghiệp, thúc đẩy sự sáng tạo trong sân khấu. Ngoài ra, Hội sẽ mời một đạo diễn người Pháp sang dàn dựng vở “Mùa lúa” để tham gia vào hoạt động kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt-Pháp trong chương trình chính thức và tham gia festival Huế 2013. Bên cạnh đó, Hội sẽ tiếp tục đề nghị Chính phủ ký quyết định giao cho Hội được là chủ thể tổ chức Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế. Nếu liên hoan này được tổ chức thì đó cũng là một hoạt động nghề nghiệp lý thú. Bởi nếu không thử nghiệm thì rất khó để tìm ra được cái mới. - Trân trọng cảm ơn ông!
Phương Mai (Vietnam+)