Bước đi mang tính biểu tượng giữa Mỹ và châu Âu

Các cuộc gặp của giới chức Mỹ và châu Âu là cần thiết và tất yếu dù chỉ mang tính biểu tượng sau bê bối nghe lén của Mỹ.

Đầu tuần này, quan chức Mỹ và châu Âu đã xúc tiến các cuộc thương lượng về bảo mật thông tin cá nhân và thỏa thuận liên quan hợp tác giữa các cơ quan tình báo và phản gián. Giới quan sát chưa vội đánh giá về hiệu quả của biện pháp mang tính "chữa cháy" này, song lưu ý rằng động thái này là cần thiết để nhanh chóng xua tan mây đen nghi kỵ phủ lên quan hệ giữa các đồng minh ở hai bờ Đại Tây Dương.

Những tiết lộ động trời của cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden về việc đặc vụ Mỹ do thám giới chức châu Âu, đặc biệt là nghe lén điện thoại di động của Thủ tướng Đức Angela Merkel, tuy không khiến quan hệ giữa Mỹ với các nước quá căng thẳng, nhưng cũng tạo nên những vết gợn cần được giải tỏa, dù chỉ mang tính biểu tượng.

Chính phủ và người dân nhiều nước châu Âu đã phản ứng giận dữ sau khi được biết thông tin trên và càng thất vọng hơn khi tới nay, Tổng thống Barack Obama vẫn chưa có lời xin lỗi công khai về sự việc này.

Trong phiên điều trần trước Quốc hội đầu tuần, Thủ tướng Merkel cho biết Berlin đang tìm kiếm các cam kết "tin cậy và có thể kiểm chứng được" từ chính quyền Mỹ nhằm bảo vệ quyền riêng tư của công dân Đức. Bà nhấn mạnh Washington cần khôi phục lòng tin vì tương lai quan hệ song phương, đồng thời khẳng định mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ vẫn là "sự đảm bảo nền tảng cho tự do và an ninh của Đức."

Tuy thuộc diện khá hẹp và không công bố rộng rãi, các cuộc gặp song phương này có đầy đủ quan chức an ninh và tình báo hàng đầu của Mỹ, Đức và quan chức tư pháp hàng đầu của Ủy ban châu Âu (EC). Nếu như cuộc gặp Mỹ-EC tạm khép lại với cam kết sẽ thúc đẩy đối thoại nhằm sớm đạt được một thỏa thuận toàn diện về việc bảo mật dữ liệu của người dùng Internet, thì cuộc gặp Mỹ-Đức tập trung vào cách thức tổ chức lại quan hệ hợp tác tình báo và phản gián giữa hai nước.

Theo các nguồn tin thân cận, tại cuộc đàm phán, giới chức Mỹ đã đưa ra một số cam kết khẳng định rằng các cơ quan tình báo và an ninh Mỹ, trong đó có Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), sẽ không tiến hành do thám các mục tiêu thương mại và công nghiệp của Đức.

Hội đồng An ninh Nhà Trắng tỏ ra khá kín tiếng khi trả lời báo giới về các cuộc đàm phán này và chỉ dừng ở tuyên bố chung chung rằng Mỹ đang cùng với các đồng minh và đối tác thảo luận về cách thức phối hợp hiệu quả hơn trong hoạt động tình báo cũng như không vi phạm quyền cá nhân.

Giới phân tích đánh giá những bước đi này của giới chức Mỹ và châu Âu là cần thiết và tất yếu dù chỉ mang tính biểu tượng, khi mà thông tin về hoạt động do thám của Mỹ trên phạm vi toàn cầu - không phân biệt đồng minh hay các nước mà Washington cho là có mâu thuẫn lợi ích - đã làm dấy lên làn sóng phản đối và hoài nghi lẫn nhau giữa các nước đồng minh. Cần thiết vì nó xuất phát từ lợi ích của cả Washington và các đối tác và tất yếu vì cần có những giải pháp cho những quan ngại cũng như xoa dịu sự khó chịu của người dân.

Thực tế cho thấy Washington tuy không "mất" quá nhiều trong vụ bê bối này vì quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương giữa các đồng minh truyền thống là mối quan hệ bền chặt, đã được thời gian kiểm chứng và quan trọng là dựa trên nền tảng vững chắc: đôi bên cùng có lợi. Sự ràng buộc các lợi ích khiến các bên có phần nương nhẹ trong vấn đề này. Tuy nhiên, không vì thế, vụ bê bối không kéo theo những quan ngại về sự thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa các đồng minh truyền thông. Đàm phán về cách thức hợp tác và phối hợp trong thu thập, trao đổi thông tin tình báo cũng như hướng tới một thỏa thuận toàn diện bảo mật dữ liệu cá nhân là hình thức để Mỹ xoa dịu các đối tác của mình. Từ phía châu Âu, cùng với các thỏa thuận ngầm, một thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo chính thức mang tính ràng buộc công khai không phải là lựa chọn tồi.

Thực chất, bước đi trên mang tính biểu tượng nhiều hơn vì trên thực tế, không riêng gì nước Mỹ đang thực hiện những chương trình do thám và núp dưới danh nghĩa “đảm bảo an ninh quốc gia."

Cơ quan tình báo Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Thụy Điển cũng đang hợp tác với Anh tiến hành các chương trình do thám trực tuyến và điện thoại quy mô lớn. Ngoài ra, từ lâu nay, các cơ quan tình báo Đức đều đã hưởng lợi từ các thông tin do phía Mỹ cung cấp thời gian qua.

Theo các nguồn thạo tin, chính nhờ sự hỗ trợ của tình báo Mỹ mà Đức có thể ngăn chặn các vụ tấn công có thể gây hậu quả nghiêm trọng trên đất Đức. Ngoài ra, Đức cũng đang ngày càng phụ thuộc vào các công nghệ tình báo hiện đại của Mỹ.

Tình báo Mỹ đã cung cấp cho phía Đức siêu phần mềm tình báo XKeyscore của mình, đổi lại Berlin cam kết không dùng phần mềm này nhằm vào các công dân Mỹ. Điều đó cho thấy sự phụ thuộc của Đức vào nguồn tin tình báo Mỹ, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng TikTok trên nền quốc kỳ Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tòa án Tối cao Mỹ thông qua luật cấm TikTok

Mặc dù ứng dụng TikTok sẽ không biến mất ngay lập tức khỏi các điện thoại của người dùng hiện tại, nhưng người dùng mới sẽ không thể tải xuống ứng dụng, các bản cập nhật cũng sẽ bị vô hiệu hóa tại Mỹ.