Mỹ định bổ nhiệm quan chức dân sự đứng đầu NSA

Nhà Trắng đã có trong tay danh sách các quan chức dân sự có thể được lựa chọn thay thế đương kim Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ.

Trong bước đi nhằm thực hiện cam kết cải tổ và "minh bạch hóa" các chương trình do thám "tràn lan quá đà," Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đẩy nhanh quá trình tìm kiếm một quan chức dân sự để bổ nhiệm làm người đứng đầu Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).

Cơ quan này vốn đang bị cả người dân Mỹ và cộng đồng thế giới lên án mạnh mẽ về chương trình nghe lén điện thoại, xâm phạm nghiêm trọng quyền riêng tư cá nhân.

Theo tờ nhật báo The Hill chuyên phục vụ các nghị sỹ Quốc hội Mỹ, Nhà Trắng hiện đã có trong tay danh sách các quan chức dân sự có thể được lựa chọn thay thế đương kim Giám đốc NSA, Tướng lục quân 4 sao Keith Alexander, người sẽ nghỉ việc từ mùa Xuân năm tới. Đây là lần đầu tiên Chính phủ Mỹ trao vị trí lãnh đạo NSA cho một quan chức dân sự kể từ khi cơ quan này được thành lập năm 1952. Dự kiến, quyết định bổ nhiệm sẽ sớm được công bố.

Ngoài thay đổi trên, chính quyền Obama cũng đang có kế hoạch tách NSA ra khỏi Bộ chỉ huy chiến tranh mạng (Uscybercom) nhằm giảm bớt chức năng do thám và thu thập tin tức tình báo quá rộng của cơ quan này.

NSA là một trong những cơ quan tình báo lớn nhất của Mỹ, xét cả về biên chế và ngân sách hoạt động. Cơ quan này đặt trụ sở tại căn cứ quân sự Fort Meade thuộc bang Maryland.

Thời kỳ đỉnh cao, năm 1969, NSA có tổng biên chế lên tới 93.067 người, cả quân sự và dân sự. Nhưng đến năm nay, con số này giảm xuống còn khoảng 75.000 người, trong đó hơn 30.000 người làm việc trực tiếp tại căn cứ Fort Meade với ngân sách hoạt động 11 tỷ USD.

Trong thời gian qua, NSA đã phải tiến hành nhiều hoạt động cải tổ lớn sau khi vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ công luận trong nước và quốc tế về chương trình do thám toàn cầu bị Edward Snowden tiết lộ. Một trong những bước cải tổ đó là việc áp dụng "chế độ hai người" khi tiếp cận với các nguồn tin tình báo nhạy cảm và tuyệt mật nhằm tránh bị đánh cắp thông tin như trong vụ tiết lộ của Snowden.

Snowden là cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nhưng cũng từng là một trong khoảng 1.000 nhân viên quản lý hệ thống mạng của NSA. Theo những thông tin do nhân vật này cung cấp, NSA đã tiến hành các chương trình nghe lén điện thoại và giám sát hoạt động Internet trên quy mô lớn không chỉ đối với người dân Mỹ mà còn với hàng triệu người dân các nước, trong đó có lãnh đạo 35 quốc gia mà Thủ tướng Đức Angela Merkel là một trong số đó./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục