Thái Lan ngày 22/3 xác nhận thêm 188 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số các trường hợp lây nhiễm được ghi nhận ở quốc gia Đông Nam Á này lên 599 bệnh nhân.
Đây là ngày có số ca lây nhiễm được công bố cao nhất, kể từ khi trường hợp đầu tiên được ghi nhận hồi tháng 1/2020.
Cho tới nay, ngoài một trường hợp tử vong, hiện có 7 bệnh nhân trong tình trạng nghiêm trọng.
Thái Lan là quốc gia đầu tiên bên ngoài Trung Quốc đại lục ghi nhận ca nhiễm virus SARS-CoV-2 hôm 13/1, bệnh nhân là một nữ du khách Trung Quốc đến từ thành phố Vũ Hán.
Kể từ đó, số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 có tăng, nhưng với số lượng một con số mỗi lần công bố.
Tình hình đột nhiên thay đổi sau khi nhà chức trách y tế công bố ca lây nhiễm chùm đầu tiên ngày 12/3, tới 11 người Thái Lan được xác nhận nhiễm virus SARS-CoV-2 sau một bữa tiệc rượu với sự tham gia của 15 người, trong đó có một người từ Hong Kong (Trung Quốc).
Tiếp sau đó, những thành viên tiếp theo của nhóm cùng nhiều người tiếp xúc gần được ghi nhận mắc COVID-19.
Bước ngoặt trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại Thái Lan là khi nhà chức trách y tế xác nhận các sàn thi đấu quyền anh Thái (Muay Thai) có thể là nơi phát tán virus SARS-CoV-2 và hàng trăm người có nguy cơ bị nhiễm loại virus chết người này.
Hàng nghìn người hâm mộ Muay Thai từ khắp nơi trên đất nước đã đổ đến các sàn thi đấu trong khoảng thời gian từ ngày 6-8/3 và sau đó lại tỏa đi khắp đất nước mà không hề ý thức được rằng họ có thể đã mang trong người virus SARS-CoV-2.
Trận thi đấu chính được tổ chức ngày 6/3 trên Sàn đấu Lumpini ở Bangkok và đây cũng chính là ổ dịch lớn nhất có liên quan tới các ca nhiễm bệnh là những người nổi tiếng như diễn viên kiêm ca sỹ Matthew Deane Chanthavanij, Cục trưởng Cục Phúc lợi quân đội, Thiếu tướng Rachit Arunrangsi và Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Chachoengsao, Kitti Paopiamsap.
Cho tới nay, Bộ Y tế Thái Lan vẫn đang truy tìm khoảng 500 người từng đến các sàn đấu Muay Thai và có thể đã bị phơi nhiễm virus SARS-CoV-2.
Nguy cơ giai đoạn 3 của đại dịch COVID-19 ở Thái Lan đang dần hiện hữu.
Mặc dù trong những tháng qua, Chính phủ Thái Lan đã từng bước chuẩn bị cho khả năng đất nước bước vào giai đoạn 3 của dịch bệnh, tức là có sự lây nhiễm rộng và không kiểm soát được trong cộng đồng, các quan chức nước này dường như vẫn lúng túng về những biện pháp đối phó với sự lây lan của COVID-19.
Những tuyên bố và biện pháp bị thay đổi liên tục, thậm chí còn mâu thuẫn như trường hợp Cục Hàng không dân dụng đã liên tiếp sửa các quy định liên quan đến người nước ngoài nhập cảnh và người Thái Lan hồi hương chỉ trong có một ngày.
[Các bệnh viện Thái Lan thiếu dung dịch xét nghiệm bệnh COVID-19]
Ba kịch bản lây lan của COVID-19 do Cục Kiểm soát dịch bệnh Thái Lan đưa ra đã vẽ nên bức tranh đáng lo ngại.
Kịch bản đầu tiên và tốt nhất dựa trên giả định rằng một bệnh nhân sẽ truyền bệnh cho 1,6 bệnh nhân mới và như vậy sẽ có 400.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 vào cuối năm 2021. Trong tình huống đó, virus này cuối cùng sẽ trở thành một bệnh địa phương theo mùa giống như cúm.
Tuy nhiên, giới chức y tế Thái Lan nhấn mạnh rằng kịch bản này dựa trên giả định rằng các biện pháp của nhà nước nhằm ngăn chặn người dân tiếp xúc với virus, như cấm tụ tập đông người và cách ly những khu vực bị ảnh hưởng, chứng tỏ có hiệu quả.
Kịch bản thứ hai dựa trên giả định tỷ lệ lây nhiễm là 1,8 và Thái Lan sẽ có 9,9 triệu ca nhiễm vào cuối năm 2020. Sự lây lan rộng rãi sẽ chậm lại cho tới khi số lượng các ca nhiễm đạt đỉnh vào giữa tháng 1-2/2021.
Kịch bản thứ ba dựa trên giả định là các biện pháp kiểm soát sự lây lan của virus không có hiệu quả, dẫn đến tỷ lệ lây nhiễm đạt 2,2 và sẽ có 37,4 triệu người ở Thái Lan bị nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cùng thời gian nói trên.
Tuy nhiên, giới chức y tế tin rằng các nỗ lực của đất nước nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh sẽ khiến đây chỉ là một kịch bản trong tình huống xấu nhất chứ không phải là một dự báo thực tế.
Trước thực trạng đáng báo động về tình hình lây nhiễm COVID-19, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha mặc dù tuyên bố Thái Lan hiện vẫn trong giai đoạn có thể kiểm soát được, nhưng đã ra lệnh cho các cơ quan chức năng thực hiện các bước chuẩn bị cho tình huống dịch bước sang giai đoạn ba, kể cả khả năng phong tỏa toàn quốc.
Chính phủ Thái Lan đã quyết định đóng cửa các trường học và các tụ điểm tập trung đông người như vũ trường, quán bar, rạp chiếu phim… tại thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận trong vòng hai tuần từ 18/3, đồng thời hoãn tổ chức Tết cổ truyền Songkran hay còn gọi là Lễ hội té nước vào giữa tháng Tư tới nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19.
Thậm chí thành phố Bangkok còn phải áp dụng biện pháp “phong tỏa mềm,” đóng cửa tất cả các trung tâm thương mại, chợ đêm, địa điểm thi đấu thể thao và địa điểm giải trí trong 22 ngày kể từ 22/3, khiến cho người dân đổ xô đi mua đồ tích trữ.
Ngoài việc triển khai đóng các cửa khẩu trên bộ, cũng từ 22/3, tất cả người nước ngoài tới Thái Lan đều phải có giấy chứng nhận sức khỏe được cấp không quá 72 giờ và bảo hiểm y tế có hạn mức điều trị bệnh COVID-19 ít nhất 100.000 USD.
Tuy nhiên, những biện pháp trên vẫn chưa làm yên lòng các chuyên gia y tế cho dù họ đang khẳng định “mức độ khủng hoảng” sẽ chỉ xảy ra nếu số lượng bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 vượt quá 1.000 ca mỗi ngày.
Hiện nay, Chính phủ Thái Lan vẫn chưa đồng ý với những đề xuất ngừng hoạt động các phương tiện công cộng và ra lệnh cho người dân ở trong nhà, mà mới chỉ dừng lại việc kêu gọi người dân ở trong nhà, tránh ra đường nếu không có việc cần thiết.
Tướng Prayut cũng khẳng định rằng ông đang để ngỏ khả năng phong tỏa toàn bộ đất nước, nhưng nhấn mạnh những hậu quả của nó cần phải được đánh giá một cách kỹ lưỡng.
Trong khi đó, một số chuyên gia nhận định rằng nếu sự gia tăng đột biến của các ca bệnh COVID-19 thời gian qua không được kiềm chế và người dân không tuân thủ nghiêm túc những khuyến cáo của nhà chức trách, thì việc phong tỏa chỉ còn là vấn đề thời gian./.