Buôn Ma Thuột đặt mục tiêu là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên

Sau 10 năm thực hiện Kết luận 60-KL/TW, ngày 27/11/2009 của Bộ Chính trị, Buôn Ma Thuột đã có những bước phát triển, về cơ bản đã đạt các chỉ tiêu đề ra với tổng sản phẩm tăng bình quân 13,9%/năm.
Đường tránh phía Tây thành phố Buôn Ma Thuột giảm thiểu áp lực giao thông cho trung tâm thành phố.
Đường tránh phía Tây thành phố Buôn Ma Thuột giảm thiểu áp lực giao thông cho trung tâm thành phố.

Ngày 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị “Tổng kết Kết luận 60-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột và Phương hướng xây dựng, phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.”

[Cần đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xử lý, tái chế rác thải]

Đây là Hội nghị quan trọng nhằm đánh giá, phân tích về những thành tựu đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế sau 10 năm thực hiện Kết luận 60 của Bộ Chính trị.

Tổng sản phẩm tăng bình quân 13,9%/năm

Thành phố Buôn Ma Thuột là trung tâm của tỉnh Đăk Lăk, có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Bên cạnh đó, Buôn Ma Thuột còn là đầu mối giao thông toàn vùng với nhiều tiềm năng cho phát triển công nghiệp chế biến và cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Với kết cấu hạ tầng và hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật tương đối khá, Buôn Ma Thuột có điều kiện phát triển các khu đô thị mới và khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Với những lợi thế đó, Buôn Ma Thuột được xác định sẽ là thành phố trung tâm cấp vùng về công nghiệp, khoa học kỹ thuật, giáo dục - đào tạo và y tế đồng thời là đầu mối giao lưu kinh tế - xã hội giữa Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ, duyên hải miền Trung và trong quan hệ quốc tế.

Thời gian qua, thành phố Buôn Ma Thuột ghi nhận những bước phát triển, về cơ bản đã đạt các chỉ tiêu đề ra với tổng sản phẩm tăng bình quân 13,9%/năm. Theo đó, các ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ đang dần giữ vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế. Các công trình, dự án trọng điểm, hạ tầng giao thông đô thị được đầu tư và bước đầu thể hiện vai trò đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

Thêm vào đó, lĩnh vực văn hóa - xã hội đã có nhiều tiến bộ, các chính sách xã hội được thực hiện tốt, đảm bảo an sinh xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Tiềm lực quốc phòng, an ninh của Thành phố được tăng cường, nhờ đó an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo ổn định.

 Buôn Ma Thuột đặt mục tiêu là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên ảnh 1Thành phố Buôn Ma Thuột chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ổn định, bền vững. 

Cải cách hành chính chưa mạnh mẽ

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Kết luận 60 của Bộ Chính trị của Buôn Ma Thuột cũng đã bộc lộ những hạn chế và tồn tại.

Cụ thể, một số định hướng phát triển chưa được triển khai thực hiện theo Kết luận 60-KL/TW. Việc khai thác phát huy lợi thế, tiềm năng là trung tâm vùng Tây Nguyên còn chậm, một số lĩnh vực văn hóa, khoa học - công nghệ, giao thông… chưa thể hiện rõ nét và đi đầu so với các thành phố trong vùng Tây Nguyên. Mặc dù, hệ thống chính trị được kiện toàn, củng cố thường xuyên, nhưng có mặt còn chưa đúng tầm với yêu cầu nhiệm vụ, chất lượng nguồn nhân lực còn chưa cao đồng thời hoạt động cải cách hành chính còn chưa mạnh mẽ, thiếu tính đột phá.

Về cơ cấu kinh tế còn thiếu vững chắc, phát triển công nghiệp của Buôn Ma Thuột hầu như vẫn là gia công, sơ chế với giá trị gia tăng thấp. Mặc dù có nhiều điều kiện để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, song thành phố này vẫn thiếu vắng các cơ sở công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao đối với các sản phẩm chủ lực.

Ngoài ra, các hạ tầng các khu, cụm công nghiệp chưa được đầu tư hoàn chỉnh, điều này đã khiến cho việc khai thác chưa hiệu quả. Một số hạn chế khác về công tác quy hoạch, quản lý xây dựng có nhiều bất cập, chưa theo kịp nhu cầu phát triển.

Đối với nguồn nhân lực, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của Buôn Ma Thuột, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức đảng, chính quyền còn hạn chế... Vì vậy, quá trình cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu đề ra khiến cho an ninh, trật tự trên một số địa bàn, lĩnh vực còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp.

Căn cứ Chương trình công tác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2019 (Chương trình số 106-CT/TW, ngày 22/12/2018), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đăk Lăk đã chủ trì và phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, các ban, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh vùng Tây Nguyên xây dựng Đề án “Tổng kết Kết luận 60-KL/TW và Phương hướng xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột.”

Tại Hội nghị, các chuyên gia kinh tế, đại diện các ban, bộ, ngành, địa phương đã có những ý kiến tham luận, đóng góp phương hướng xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.

Một số mục tiêu phát triển Buôn Mê Thuột đến năm 2030:

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 13,5%/năm. trong đó dịch vụ 14%-15%; công nghiệp – xây dựng 13%-14%/năm; nông nghiệp 2%-3%/năm.

Cơ cấu kinh tế: ngành dịch vụ 66,62%, công nghiệp và xây dựng 30,38%, nông nghiệp 2,01% và tỷ trọng thuế sản phẩm từ trợ cấp sản phẩm đạt dưới 0,99%. Thu ngân sách nhà nước tăng bình quân trên 12%/năm.

Tỷ lệ cây xanh công cộng đô thị tối thiểu 15m2/người. Phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, nâng cao năng lực chống chịu ứng phó biến đổi khí hậu, đóng góp cho cam kết quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 75% và qua đào tạo nghề trên 55%. Tỷ lệ thất nghiệp còn dưới 2%. Cơ bản không còn hộ nghèo.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục