Cả 4 chỉ tiêu quan trọng của PVN đều về đích trước kế hoạch

Một loạt các chỉ tiêu như: Gia tăng trữ lượng dầu khí, tổng doanh thu, nộp ngân sách và lợi nhuận của PVN đã hoàn thành kế hoạch cả năm trước 2 tháng.
Cả 4 chỉ tiêu quan trọng của PVN đều về đích trước kế hoạch ảnh 1Khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa công bố hoàn thành kế hoạch cả năm trước 2 tháng đối với 4 chỉ tiêu quan trọng đó là: Gia tăng trữ lượng dầu khí; Tổng doanh thu toàn Tập đoàn; Nộp ngân sách nhà nước toàn Tập đoàn và Lợi nhuận sau thuế hợp nhất Tập đoàn.

[PVN khẳng định vị thế trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam]

Theo đó, tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 685,01 nghìn tỷ đồng, vượt 11,9% kế hoạch năm. Dự kiến cả năm đạt 708,5 nghìn tỷ đồng, vượt 16% kế hoạch năm.

Cùng với đó, nộp ngân sách Nhà nước của PVN ước đạt 97,21 nghìn tỷ đồng, vượt 11,1% kế hoạch năm. Dự kiến cả năm đạt 104 nghìn tỷ đồng, vượt 18,8% kế hoạch năm.

Trong khi đó, các chỉ tiêu còn lại đều hoàn thành vượt mức từ 5-8% kế hoạch đề ra. Đơn cử khai thác dầu trong nước vượt 7,5%, khai thác khí vượt 8,0%, sản xuất đạm vượt 8,0%, sản xuất điện vượt 5,5%, xăng dầu vượt 6,2%.

Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của các đơn vị thành viên của PVN, tiêu biểu như: VSP, PVEP, Rusvietpetro, Biển Đông POC, PVGas, BSR, PVCFC, PVPower đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch các chỉ tiêu sản lượng sản xuất.

Ngoài ra, 5 đơn vị đã hoàn thành kế hoạch cả năm trước 3 chỉ tiêu tài chính hợp nhất, bao gồm doanh thu, lợi nhuận trước thuế, nộp ngân sách nhà nước, đó là: PVGas, Rusvietpetro, PVTrans, PTSC và PVI.

Cả 4 chỉ tiêu quan trọng của PVN đều về đích trước kế hoạch ảnh 2Người lao động tại nhà máy chế biến khí Nam Côn Sơn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Những kết quả đó đã khẳng định nỗ lực vượt bậc của Tập đoàn trong việc điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt trong bối cảnh hoạt động trên biển có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí của Tập đoàn, cũng như ảnh hưởng đến việc kêu gọi, xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực tìm kiếm thăm dò dầu khí.

Cùng với đó, trữ lượng, tiềm năng dầu khí ở vùng nước nông không còn nhiều, việc khai thác ở các mỏ chủ lực trong năm 2019 đang trong giai đoạn suy kiệt, sản lượng giảm mạnh, trong khi các mỏ khác còn lại đều là những mỏ nhỏ cận biên, điều kiện phát triển, vận hành phức tạp, chi phí cao.... 

Do vậy, ngay từ tháng 11 và 12/2018, Tập đoàn đã xác định rõ mục tiêu phát huy tối đa và hiệu quả mọi nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2019, đồng thời chỉ đạo người đứng đầu các đơn vị, theo chức năng nhiệm vụ xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để triển khai thực hiện phù hợp với thực tế từng đơn vị.

Căn cứ theo đặc điểm của từng đơn vị và trên cơ sở dự báo giá dầu và thị trường trong thời gian tới, lãnh đạo PVN yêu cầu các đơn vị thành viên tổ chức rà soát lại tất cả các nhiệm vụ, chi phí dự kiến của năm 2019, thực hiện cắt giảm tối đa các chi phí thuê ngoài, các nhiệm vụ chưa thật sự cấp bách cũng như chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị thành viên tổ chức trực an toàn và bố trí ca, kíp đảm bảo duy trì ổn định sản xuất kinh doanh…

Đặc biệt, với bộ máy sau khi tái cấu trúc đã được tinh gọn, giảm bớt khâu trung gian, tính chuyên nghiệp và kỷ cương được thiết lập lại chặt chẽ, công tác quản trị doanh nghiệp được nâng cao, các đơn vị thành viên đã chủ động mở rộng thị trường ra các nước trong khu vực, là tiền đề quan trọng giúp PVN hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu đề ra./.

Các hoạt động nổi bật trong tháng 11/2019:

- Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức thành công Kỳ họp lần thứ 45 Hội đồng Dầu khí các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN Council on Petroleum - ASCOPE) tại Hà Nội. Lần đầu tiên PVN đảm nhận vai trò Tổng Thư ký ASCOPE.

- Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) tổ chức Lễ công bố Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2019. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là doanh nghiệp đứng đầu trong bảng xếp hạng.

- Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tiếp tục dẫn đầu với hai tên tuổi trong Top 10 Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2019, gồm: Công ty mẹ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đứng vị trí thứ ba và Công ty cổ phần Lọc Hóa Dầu Bình Sơn (BSR) ở vị trí thứ bảy.

- Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã thành công trong việc chế biến một số loại dầu thô mới nhập khẩu và xuất bán lô sản phẩm dầu nhiên liệu hàng hải (MFO) đầu tiên.

- Nhà máy điện Tuabin khí Chu trình hỗn hợp Nhơn Trạch 2 của Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 đạt mốc sản lượng 40 tỷ kWh điện sau 8 năm vận hành thương mại, đánh dấu mốc quan trọng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng đất nước.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục