Cà Mau: Tượng đài Đường Hồ Chí Minh trên biển

Ngày 15/5, tỉnh Cà Mau khánh thành tượng đài chiến thắng Đường Hồ Chí Minh trên biển được xây dựng tại bến Vàm Lũng, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển với tổng vốn đầu tư hơn 9 tỷ đồng.

Ngày 15/5, tỉnh Cà Mau khánh thành tượng đài chiến thắng Đường Hồ Chí Minh trên biển được xây dựng tại bến Vàm Lũng, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển với tổng vốn đầu tư hơn 9 tỷ đồng.
 
Tổng thể dự án công trình này bao gồm: tượng đài chính cao hơn 10m, khắc họa lại hình ảnh con tàu không số vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam trên đường Hồ Chí Minh trên biển phục vụ chiến trường miền Nam, với những chiến sĩ bộ đội vững chắc tay lái cặp bến Vàm Lũng (Ngọc Hiển - Cà Mau).
 
Hai bức phù điêu hai bên tượng đài chính mô phỏng hình dáng hai con tàu đang vượt sóng, với những họa tiết minh họa các hoạt động bốc xếp vũ khí xuống xuồng ba lá, chuyển đến chiến trường, có sự hỗ trợ, tiếp sức của đồng bào và tái hiện lại những trận đánh tàu giặc oanh liệt của Đoàn 125 (Đoàn tàu vận tải quân sự của miền Bắc còn gọi là Đoàn tàu không số), những chiến thắng vang dội trên khắp chiến trường Nam bộ.

Ngoài ra, khu tượng đài còn có nhà trưng bày truyền thống lịch sử, bồn hoa, cây cảnh.
 
Ngày 26/10/1962, tại bến Vàm Lũng, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), Tàu Phương Đông 1 của Đoàn tàu không số hành trình từ Bắc vào Nam trên đường Hồ Chí Minh trên biển, do Thuyền trưởng Lê Văn Một và Bí thư Chi bộ Bông Văn Dĩa phụ trách, đã cập bến an toàn.
 
Tàu vận chuyển 30 tấn vũ khí đầu tiên của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, mở đầu cho các chuyến vận tải tiếp theo trên con đường huyền thoại này. Vàm Lũng là bến vinh dự đón con tàu đầu tiên của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, đồng thời là bến tiếp nhận tàu nhiều nhất trong các bến của Đoàn 962 ở miền Nam như: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Trà Vinh với 69/124 chuyến tàu cập các bến từ năm 1962 đến năm 1972, góp phần làm nên đại thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục