Cả nước có trên 15.000 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 56,9%

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau 5 năm xây dựng, toàn quốc hiện có 15.334 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 56,9%.

Cả nước có trên 15.000 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Cả nước có trên 15.000 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sau 5 năm xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, toàn quốc hiện có 15.334 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 56,9%, tăng 1.773 trường, tăng 11,3% so với năm học 2017-2018.

Đây là thông tin vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết tại Hội thảo Đánh giá công tác xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia do Bộ này tổ chức ngày 28/11.

Cũng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, vùng có tỷ lệ tăng trường chuẩn quốc gia nhiều nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (18,2%). Các tỉnh/thành phố có có tỷ lệ tăng trường chuẩn quốc gia nhiều nhất cả nước là Ninh Bình (16,7%), Hà Nam (15,4%), Bắc Giang (15,2%)…

Mặc dù đạt được nhiều kết quả nhưng trong quá trình triển khai nhưng theo đánh giá của lãnh đạo Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo), vẫn còn tồn tại nhiều bất cập khó khăn trong việc xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia do một số quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa phù hợp với thực tiễn, khó triển khai hoặc không khả thi khi triển khai.

Một số địa phương do điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn, ngân sách bố trí đầu tư cho giáo dục còn hạn chế hoặc thiếu quỹ đất dẫn tới tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia còn thấp. Việc đảm bảo các quy chuẩn về đội ngũ, cơ sở vật chất, trường lớp để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo Vụ Giáo dục Mầm non, Cục Quản lý chất lượng, các Sở Giáo dục và Đào tạo, cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán tại các địa phương đã tham luận, trao đổi, nêu ý kiến liên quan đến các tiêu chuẩn để xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia hiện nay như tổ chức và quản lý nhà trường; đội ngũ giáo viên; điều kiện cơ sở vật chất; phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội; hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ…

Lãnh đạo Vụ Giáo dục Mầm non cũng đề nghị địa phương quan tâm và chú trọng công tác quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non đạt chuẩn quốc gia, thực hiện tốt và đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông để xã hội hiểu về giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục