Nghỉ ngơi được vài ngày, các bến xe lớn ở Hà Nội chiều nay (3/9) lại phải gồng mình cõng lượng người khổng lồ. Hành khách đổ xô về Hà Nội sau đợt nghỉ lễ 2/9 cũng khiến giao thông ở nhiều tuyến đường ùn tắc khá nghiêm trọng.
Ngạt thở về Hà Nội
Mệt lử vì chuyến đi dài, chị Nguyễn Hương Giang (Thanh Hóa) bảo, chưa bao giờ chị có 150 km khó chịu đến thế. Vé xe ngày thường chỉ 80.000 đồng bỗng chốc bị chủ xe biến hóa lên tới 120.000 đồng. Đi được một quãng nhà xe mới thu tiền nên đám khách lên xe giữa chừng như chị chỉ biết nhăn nhó rút tiền.
Mất tiền đã đành, điều làm chị bực mình nhất là việc nhồi khách tới mức quá đáng của chủ xe. Chị bảo, ngồi ôm đống hành lý, cứ lúc nào xe bỗng phanh gấp, táp vào lề đường đón khách là chị cùng mấy người trên xe phát sốt. Lượng người vốn đã phải đứng ngồi chen vai chỉ qua quãng đường chục cây số đầy lên tới mức khách đi xe bức xúc đồng thời lên tiếng.
“Về đến bến xe, nhìn cảnh người chen chúc lại càng thấy mệt mỏi. Biết vậy, hôm qua mình lên sớm,” chị Giang thở dài chỉ về phía nhà chờ đông nghẹt người.
Cũng như chị Giang, phần lớn hành khách về Hà Nội đã có một buổi chiều không hề dễ thở.
Hành khách dồn về Hà Nội quá đông nên nhiều nhà xe đã lợi dụng để nhồi nhét và tăng giá vé cao hơn so với giá quy định.
Anh Trần Trọng Thành (Thành phố Ninh Bình) cho hay, anh mua vé tại bến xe với giá 60.000 đồng nhưng khi lên xe xuất trình vé thì nhà xe thu thêm 20.000 đồng nữa với lý do đi đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình nên phí cầu đường cao hơn.
“Ghế quy định 4 người ngồi thì chủ xe nhét tới 6 người, chân tay mỏi nhừ mà cũng không thể ngọ nguậy được do quá chật,” anh Thành ngậm ngùi nói.
Bến xe Giáp Bát thời điểm cuối giờ chiều ngột ngạt hơn bao giờ hết. Hành khách đổ về khu vực này vốn đã âm ỉ tăng lên từ buổi sáng nhưng phải đến chiều, bến xe mới thực sự rơi vào cảnh quá tải.
Khoảng sân rộng phía trong bến xe Giáp Bát hầu như không lúc nào còn chỗ trống. Phần lớn xe trả khách ở đây đều phải nhanh chóng quay đầu để dành chỗ cho hàng dài xe phía sau. Cẳng thẳng nhất lúc này là khu vực phía cổng ra của bến xe. Hàng trăm người cố chen chân khỏi đám đông chật ních đã khiến con đường dẫn ra đường Giải Phóng bỗng trở nên nhốn nháo.
Giao thông ở khu vực này cũng vì thế mà rơi vào cảnh ùn tắc cục bộ. Góp công lớn nhất vào cảnh tượng này là cánh taxi. Mặc dù lực lượng chức năng làm việc hết công suất nhưng không ít taxi vẫn thản nhiên nài khách khu vực cổng ra bến xe. Dòng người lưu thông trên đường Giải Phóng vẫn đã khá đông chính vì thế rất khó khăn để vượt qua quãng đường này.
Tình hình cũng tương tự ở những tuyến đường có bến xe lớn như Mỹ Đình, Lương Yên, Gia Lâm…
Tuyến đường vành đai ba nối từ Giáp Bát đến Phạm Hùng chiều nay luôn trong tình trạng quá tải. Ôtô tải, khách, xe con xếp thành hàng hai, hàng ba kéo dài ở những nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến và Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến… Nhiều người điều khiển xe máy thậm chí phải lao lên vỉa hè tìm cách đi vào nội thành.
Nóng nhất là khu vực bến xe Mỹ Đình. Mặc dù khá rộng rãi nhưng khu vực nhà chờ của bến xe chiều nay cũng chật kín khách. Phần lớn người có mặt tại khu vực này là khách từ các tỉnh về, chuyến đi dài đã vắt kiệt sức của nhiều người.
Khu vực đỗ xe của bến hầu như không còn chỗ len người vì lượng xe đổ về ngày một đông. Nhiều ôtô vào bến đã được điều tiết đỗ ở khoảng sân phía ngoài để giảm gánh nặng cho khu vực trung tâm.
Thậm chí, đoạn đường ở tận nút cầu vượt Thường Tín, nút giao thông gần cầu Pháp Vân – cầu Vĩnh Tuy cũng bị ùn tắc cục bộ do 3 xe ôtô con va quyệt khiến các xe từ tỉnh “chôn” chân mất 30 phút mới có thể lưu thông bình thường.
Xe buýt chật cứng, xe ôm tung hoành
Lượng khách khổng lồ chiều nay cũng khiến nhiều tuyến xe buýt nhanh chóng quá tải.
Điểm chờ xe buýt trên đường Giải Phóng, gần bến xe Giáp Bát thời điểm 17 giờ chiều nay chật ních người. Lượng khách chờ xe thậm chí còn phình ra suốt chiều dài khu vực vỉa hè. Nhiều xe buýt đi qua khu vực này đều khá lặc lè với lượng người chật ních. Cửa xe thậm chí còn phải mở cả hai chiều lên, xuống để phục vụ lượng người quá đông.
Những điểm chờ xe khu vực đường Phạm Hùng cũng nóng không kém. Phần lớn những tuyến xe buýt đi qua đây đều bị quây kín bởi số đông hành khách cùng với lỉnh kỉnh đồ đạc. Nhiều tuyến xe buýt thậm chí đã phải đóng cửa xe khi lượng người quá đông.
Cánh xe ôm chiều nay cũng được một phen làm việc cật lực. Người ta thấy xế ôm từ phía trong bến xe, dai dẳng tới khu vực ra cổng bến hay thậm chí, sang tới bên kia đường Phạm Hùng, cánh xế ôm vẫn có người chèo kéo khách.
Không chỉ làm phiền khách về Hà Nội, nhiều xế ôm thậm chí còn tranh thủ hét giá khi những chuyến xe buýt phần lớn đều chật cứng người.
Anh Nguyễn Văn Thái, trọ ở khu vực đường Cầu Giấy bảo, từ bến xe Mỹ Đình về nhà bình thưởng chỉ khoảng 20.000 đồng tiền xe ôm nhưng chiều nay, anh đã phải trả gấp đôi.
Anh Thái kể, mấy gã xe ôm đeo bám anh từ lúc anh xuống xe. Đồ đạc nhiều quá, lại 3, 4 người bu chặt, anh đành miễn cưỡng gật đầu cho xong chuyện.
“Biết vậy, mình cố gắng ra ngoài bến xe bắt taxi cho đỡ bực mình,” anh Thái hậm hực.
Theo ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình, lượng khách năm nay không đông so với mọi năm và đổ về bến dàn trải đồng thời lực lượng an ninh tại các bến xe cũng đã tiến hành công tác phân luồng đảm bảo trật tự để hạn chế thấp nhất tình trạng ùn tắc và giải tỏa khách ngay tại bến xe.
“Lượng khách tập trung cao điểm nhất từ 3 đến 6 giờ chiều nay. Tuy nhiên, vẫn có một số hành khách có thể sẽ lên vào sáng ngày mai,” ông Tiến đánh giá./.
Ngạt thở về Hà Nội
Mệt lử vì chuyến đi dài, chị Nguyễn Hương Giang (Thanh Hóa) bảo, chưa bao giờ chị có 150 km khó chịu đến thế. Vé xe ngày thường chỉ 80.000 đồng bỗng chốc bị chủ xe biến hóa lên tới 120.000 đồng. Đi được một quãng nhà xe mới thu tiền nên đám khách lên xe giữa chừng như chị chỉ biết nhăn nhó rút tiền.
Mất tiền đã đành, điều làm chị bực mình nhất là việc nhồi khách tới mức quá đáng của chủ xe. Chị bảo, ngồi ôm đống hành lý, cứ lúc nào xe bỗng phanh gấp, táp vào lề đường đón khách là chị cùng mấy người trên xe phát sốt. Lượng người vốn đã phải đứng ngồi chen vai chỉ qua quãng đường chục cây số đầy lên tới mức khách đi xe bức xúc đồng thời lên tiếng.
“Về đến bến xe, nhìn cảnh người chen chúc lại càng thấy mệt mỏi. Biết vậy, hôm qua mình lên sớm,” chị Giang thở dài chỉ về phía nhà chờ đông nghẹt người.
Cũng như chị Giang, phần lớn hành khách về Hà Nội đã có một buổi chiều không hề dễ thở.
Hành khách dồn về Hà Nội quá đông nên nhiều nhà xe đã lợi dụng để nhồi nhét và tăng giá vé cao hơn so với giá quy định.
Anh Trần Trọng Thành (Thành phố Ninh Bình) cho hay, anh mua vé tại bến xe với giá 60.000 đồng nhưng khi lên xe xuất trình vé thì nhà xe thu thêm 20.000 đồng nữa với lý do đi đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình nên phí cầu đường cao hơn.
“Ghế quy định 4 người ngồi thì chủ xe nhét tới 6 người, chân tay mỏi nhừ mà cũng không thể ngọ nguậy được do quá chật,” anh Thành ngậm ngùi nói.
Bến xe Giáp Bát thời điểm cuối giờ chiều ngột ngạt hơn bao giờ hết. Hành khách đổ về khu vực này vốn đã âm ỉ tăng lên từ buổi sáng nhưng phải đến chiều, bến xe mới thực sự rơi vào cảnh quá tải.
Khoảng sân rộng phía trong bến xe Giáp Bát hầu như không lúc nào còn chỗ trống. Phần lớn xe trả khách ở đây đều phải nhanh chóng quay đầu để dành chỗ cho hàng dài xe phía sau. Cẳng thẳng nhất lúc này là khu vực phía cổng ra của bến xe. Hàng trăm người cố chen chân khỏi đám đông chật ních đã khiến con đường dẫn ra đường Giải Phóng bỗng trở nên nhốn nháo.
Giao thông ở khu vực này cũng vì thế mà rơi vào cảnh ùn tắc cục bộ. Góp công lớn nhất vào cảnh tượng này là cánh taxi. Mặc dù lực lượng chức năng làm việc hết công suất nhưng không ít taxi vẫn thản nhiên nài khách khu vực cổng ra bến xe. Dòng người lưu thông trên đường Giải Phóng vẫn đã khá đông chính vì thế rất khó khăn để vượt qua quãng đường này.
Tình hình cũng tương tự ở những tuyến đường có bến xe lớn như Mỹ Đình, Lương Yên, Gia Lâm…
Tuyến đường vành đai ba nối từ Giáp Bát đến Phạm Hùng chiều nay luôn trong tình trạng quá tải. Ôtô tải, khách, xe con xếp thành hàng hai, hàng ba kéo dài ở những nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến và Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến… Nhiều người điều khiển xe máy thậm chí phải lao lên vỉa hè tìm cách đi vào nội thành.
Nóng nhất là khu vực bến xe Mỹ Đình. Mặc dù khá rộng rãi nhưng khu vực nhà chờ của bến xe chiều nay cũng chật kín khách. Phần lớn người có mặt tại khu vực này là khách từ các tỉnh về, chuyến đi dài đã vắt kiệt sức của nhiều người.
Khu vực đỗ xe của bến hầu như không còn chỗ len người vì lượng xe đổ về ngày một đông. Nhiều ôtô vào bến đã được điều tiết đỗ ở khoảng sân phía ngoài để giảm gánh nặng cho khu vực trung tâm.
Thậm chí, đoạn đường ở tận nút cầu vượt Thường Tín, nút giao thông gần cầu Pháp Vân – cầu Vĩnh Tuy cũng bị ùn tắc cục bộ do 3 xe ôtô con va quyệt khiến các xe từ tỉnh “chôn” chân mất 30 phút mới có thể lưu thông bình thường.
Xe buýt chật cứng, xe ôm tung hoành
Lượng khách khổng lồ chiều nay cũng khiến nhiều tuyến xe buýt nhanh chóng quá tải.
Điểm chờ xe buýt trên đường Giải Phóng, gần bến xe Giáp Bát thời điểm 17 giờ chiều nay chật ních người. Lượng khách chờ xe thậm chí còn phình ra suốt chiều dài khu vực vỉa hè. Nhiều xe buýt đi qua khu vực này đều khá lặc lè với lượng người chật ních. Cửa xe thậm chí còn phải mở cả hai chiều lên, xuống để phục vụ lượng người quá đông.
Những điểm chờ xe khu vực đường Phạm Hùng cũng nóng không kém. Phần lớn những tuyến xe buýt đi qua đây đều bị quây kín bởi số đông hành khách cùng với lỉnh kỉnh đồ đạc. Nhiều tuyến xe buýt thậm chí đã phải đóng cửa xe khi lượng người quá đông.
Cánh xe ôm chiều nay cũng được một phen làm việc cật lực. Người ta thấy xế ôm từ phía trong bến xe, dai dẳng tới khu vực ra cổng bến hay thậm chí, sang tới bên kia đường Phạm Hùng, cánh xế ôm vẫn có người chèo kéo khách.
Không chỉ làm phiền khách về Hà Nội, nhiều xế ôm thậm chí còn tranh thủ hét giá khi những chuyến xe buýt phần lớn đều chật cứng người.
Anh Nguyễn Văn Thái, trọ ở khu vực đường Cầu Giấy bảo, từ bến xe Mỹ Đình về nhà bình thưởng chỉ khoảng 20.000 đồng tiền xe ôm nhưng chiều nay, anh đã phải trả gấp đôi.
Anh Thái kể, mấy gã xe ôm đeo bám anh từ lúc anh xuống xe. Đồ đạc nhiều quá, lại 3, 4 người bu chặt, anh đành miễn cưỡng gật đầu cho xong chuyện.
“Biết vậy, mình cố gắng ra ngoài bến xe bắt taxi cho đỡ bực mình,” anh Thái hậm hực.
Theo ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình, lượng khách năm nay không đông so với mọi năm và đổ về bến dàn trải đồng thời lực lượng an ninh tại các bến xe cũng đã tiến hành công tác phân luồng đảm bảo trật tự để hạn chế thấp nhất tình trạng ùn tắc và giải tỏa khách ngay tại bến xe.
“Lượng khách tập trung cao điểm nhất từ 3 đến 6 giờ chiều nay. Tuy nhiên, vẫn có một số hành khách có thể sẽ lên vào sáng ngày mai,” ông Tiến đánh giá./.
Việt Hùng - Xuân Dũng (Vietnam+)