Các bộ trưởng nội vụ EU nhất trí với kế hoạch hành động về người di cư

EU sẽ hợp tác mạnh mẽ hơn với các nước như Libya, Tunisia hoặc Ai Cập để ngăn chặn dòng người di cư cũng như đẩy mạnh trục xuất những trường hợp vượt biên trái phép.
Các bộ trưởng nội vụ EU nhất trí với kế hoạch hành động về người di cư ảnh 1Tàu của lực lượng tuần duyên Italy tham gia chiến dịch giải cứu người di cư tại cảng Palermo, Sicily, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cuối tuần qua, các Bộ trưởng Nội vụ của Liên minh châu Âu (EU) đã hoan nghênh một kế hoạch của khối này nhằm phối hợp hiệu quả hơn trong việc giải quyết vấn đề người di cư tới EU sau những bất đồng lớn giữa Italy và Pháp về việc tiếp nhận tàu cứu hộ chở người tị nạn.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels (Bỉ), các bộ trưởng đã nhất trí với kế hoạch hành động gồm 20 điểm mà Ủy ban châu Âu (EC) công bố ngày 21/11, trong đó đề cập mong muốn của EU hợp tác mạnh mẽ hơn với các nước như Libya, Tunisia hoặc Ai Cập để ngăn chặn dòng người di cư cũng như đẩy mạnh trục xuất những trường hợp vượt biên trái phép.

[EU lập kế hoạch hành động trước thềm cuộc họp khẩn về người di cư]

Mô tả về cuộc họp khẩn ngày 25/11 của các bộ trưởng nội vụ EU, tất cả các bên tham dự cho rằng đây là một cuộc họp mang "tính xây dựng."

Mặc dù vậy, sau đó, Bộ trưởng Nội vụ Cộng hòa Séc Vit Rakusan, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, cho biết các đại biểu đều nhất trí rằng "có thể và phải làm nhiều hơn nữa" để tìm ra giải pháp lâu dài.

Ông Rakusan cho biết thêm các bộ trưởng sẽ nhóm họp theo kế hoạch đã định vào ngày 8/12 tới để theo đuổi "cuộc thảo luận đầy khó khăn."

Đầu tháng này, Pháp và Italy đã có những bất đồng về việc tiếp nhận tàu giải cứu người di cư của các tổ chức từ thiện, từ đó dẫn tới các cuộc thảo luận căng thẳng tại Brussels, trụ sở của EU, nhằm giải quyết tranh cãi mới về vấn đề này.

Pháp cáo buộc Italy không tôn trọng luật hàng hải khi từ chối cho một tàu cứu hộ cập cảng.

Tuy nhiên, cả Italy và Hy Lạp từ lâu đều cho rằng hệ thống hiện tại đặt gánh nặng không cân xứng lên họ vì hai nước này có biên giới biển quan trọng với khu vực Bắc Phi.

Hiện nay, số lượng người xin tị nạn tại EU thấp hơn nhiều so với các mức ghi nhận năm 2015 và 2016.

Mặc dù vậy, tranh cãi về việc tiếp nhận các trường hợp này đã làm suy yếu hiệp ước nhằm phân bổ hạn ngạch người di cư đồng đều hơn giữa 27 nước thành viên trong khối./

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục