Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 8/6, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã bắt đầu nhóm họp tại thành phố Fukuoka của Nhật Bản.
Với tư cách nước chủ tọa hội nghị, Nhật Bản đã đề xuất ba chủ đề chính cho các cuộc thảo luận gồm các rủi ro và thách thức đối với kinh tế toàn cầu; các hành động cụ thể để tăng cường tiềm năng tăng trưởng trong trung hạn; các phản ứng chính sách đối với những thay đổi về kinh tế và xã hội xuất phát từ sự đổi mới công nghệ và toàn cầu hóa.
Mặc dù vậy, theo giới phân tích, tái cân bằng cán cân vãng lai giữa các nước, đánh thuế đối với các hãng công nghệ khổng lồ và ngăn chặn việc sử dụng tiền mã hóa vào các mục đích xấu sẽ là các vấn đề nóng trong chương trình nghị sự của hội nghị lần này.
[IMF nêu nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của hội nghị quan chức G20]
Trước đó, trong bài viết đăng trên trang web chính thức của Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso khẳng định: “G20 cần tái tập trung vào các sứ mệnh thực sự cần thiết cho cộng đồng quốc tế và thực hiện tốt các sứ mệnh này.”
Theo ông Aso, sứ mệnh chính của G20 trong tình hình hiện nay là “củng cố các yếu tố kinh tế cơ bản cho sự tăng trưởng bền vững và bao trùm của nền kinh tế toàn cầu.”
Được tổ chức thường niên kể từ năm 1999, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 được coi là một trong các diễn đàn quan trọng để 20 nền kinh tế chủ chốt thảo luận về các vấn đề kinh tế thế giới và phối hợp chính sách để đảm bảo đà tăng trưởng ổn định và bền vững của nền kinh tế toàn cầu./.