Theo các nhà phân tích, sự sụt giảm mạnh của giá dầu trong thời gian qua có thể khiến các công ty năng lượng hàng đầu thế giới sẽ phải xem xét lại kế hoạch chi tiêu, lùi thời hạn mua lại cổ phần hoặc tái phát hành cổ tức không dùng tiền mặt.
Trong phiên 9/3, giá dầu Brent Biển Bắc đã “lao dốc” với mức giảm 24% xuống còn 34,36 USD/thùng khi các nhà phân tích hạ dự báo giá cổ phiếu của các nhà sản xuất dầu khí lớn.
Tính đến hiện tại, giá dầu Brent đã giảm tới hơn 30% kể từ phiên thứ Năm tuần trước (5/3), ngay trước khi Nga từ chối ủng hộ đề xuất cắt giảm thêm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Sự sa sút của giá dầu có thể buộc các “đại gia” năng lượng phải xem xét lại kế hoạch cắt giảm chi tiêu từng được đề ra để đối phó với tình trạng lao dốc của giá dầu hồi năm 2014. Khi đó, OPEC đã mở rộng sản lượng để cố gắng bảo vệ thị phần sau “cuộc cách mạng” dầu đá phiến tại Mỹ.
Ngành năng lượng cũng đang vật lộn để thu hút các nhà đầu tư do những lo ngại về tính bền vững lâu dài của ngành này, trong bối cảnh thế giới đang tìm cách hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch vốn đã góp phần gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu.
Để cố gắng “giữ chân” các nhà đầu tư, hội đồng quản trị của các công ty dầu khí lớn đã tăng cổ tức và tiến hành các chương trình mua lại cổ phần. Nhưng ngay cả với mức giá trung bình 64 USD/thùng của dầu Brent hồi năm ngoái, hầu hết các công ty không thể cân bằng giữa thu với chi tiêu.
Nhà phân tích Jason Gammel của ngân hàng đầu tư Jefferies nói trong một lưu ý rằng, các “đại gia” dầu mỏ đã bước vào "chế độ sinh tồn" và sẽ phải đánh giá những mục họ có thể cắt giảm chi tiêu.
Theo ông Gammel, các chương trình mua lại cổ phần và tăng mức cổ tức gần như chắc chắn không được bàn tới, và câu hỏi được đưa ra là công ty nào sẽ hạ cổ tức trước tiên.
Tuần trước, Chevron Corp cam kết sẽ hoàn trả lại tới 80 tỷ USD cho các cổ đông trong năm năm tới.
[Giá dầu châu Á ghi nhận mức giảm lớn nhất kể từ năm 1991]
Theo ngân hàng Goldman Sachs, tùy thuộc vào thời gian giá dầu suy giảm, Chevron có thể giảm bớt chương trình mua lại cổ phần, trong khi Exxon Mobil Corp có thể trì hoãn các kế hoạch chi tiêu 33 tỷ USD và tăng cổ tức trong năm 2020.
Trước đó, Royal Dutch Shell Plc cũng đưa ra những cảnh báo tương tự rằng công ty này sẽ “giảm tốc” chương trình mua lại cổ phần trị giá 25 tỷ USD, khi dịch COVID-19 đang đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu và làm giảm nhu cầu nhiên liệu.
Các nhà phân tích tại công ty quản lý tài sản Bernstein mới đây đã hạ cấp khuyến nghị đầu tư đối với các công ty năng lượng gồm Shell, Eni, Repsol, Total và Equinor. Trong một lưu ý gửi tới khách hàng, Bernstein nói thêm họ dự kiến hoạt động thoái vốn sẽ xảy ra và đầu tư sẽ giảm, nhưng các công ty sẽ không cắt giảm cổ tức.
Sau vụ sụp đổ của thị trường dầu hồi năm 2014, các công ty đã cắt giảm hàng tỷ USD chi phí, với nhiều công ty đã cơ cấu mô hình kinh doanh để có thể chịu đựng được mức giá dầu khoảng 50 USD/thùng. Khi đó, các “đại gia” bao gồm Total và Royal Dutch Shell đã chi trả cổ tức dưới dạng cổ phiếu, thay vì tiền mặt.
Ông Stuart Joyner, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường Redburn, cho biết khả năng các công ty lại chi trả cổ tức dưới dạng cổ phiếu là có thể xảy ra, nếu tình hình hiện này phát triển thành một "cuộc chiến giá dầu" kéo dài sáu tháng.
Redburn cho biết họ dự kiến Total và Chevron sẽ duy trì việc trả cổ tức, Shell sẽ giảm bớt các khoản mua lại cổ phần của mình, trong khi Equinor và Eni sẽ chịu áp lực phải ngừng chương tình mua lại cổ phần hiện tại./.