Các địa phương tăng cường biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

Bình Phước xây dựng thêm 2 bệnh viện dã chiến để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 trong khi Hà Giang kiểm soát chặt người ra, vào tỉnh; Thái Nguyên kiểm soát chặt tình trạng “né chốt."
Các địa phương tăng cường biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 ảnh 1Lãnh đạo tỉnh Bình Phước và thành phố Đồng Xoài tham quan khu điều trị của bệnh viện dã chiến Đồng Xoài. (Ảnh: Đậu Tất Thành/TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước vừa ban hành công văn khẩn về việc xây dựng thêm 2 bệnh viện dã chiến để thu dung, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền chấp thuận chủ trương xây dựng thêm 2 bệnh viện dã chiến.

Trong số đó, bệnh viện dã chiến tỉnh, quy mô 210 giường đặt tại Trung tâm hoạt động thanh, thiếu nhi tỉnh Bình Phước. Bệnh viện dã chiến này sẽ thu dung, điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 mức độ nhẹ, trung bình và nặng trên địa bàn toản tỉnh.

Bệnh viện dã chiến khu vực thị xã Phước Long, quy mô 200 giường, thu dung, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 mức độ không triệu chứng, mức độ nhẹ và mức độ vừa trên địa bàn thị xã Phước Long, huyện Bù Gia Mập, Bù Đốp khi có yêu cầu.

Trước đó, ngày 29/7, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước đã đưa vào sử dụng Bệnh viện dã chiến thành phố Đồng Xoài được cải tạo từ Nhà thi đấu đa năng thành phố.

Bệnh viện có diện tích 3.000m2, quy mô 180 giường, đáp ứng nhiệm vụ thu dung, sàng lọc, khám bệnh, cách ly, điều trị, chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 mức độ không triệu chứng, mức độ nhẹ, mức độ vừa trên địa bàn thành phố Đồng Xoài và các địa phường khác khi có yêu cầu.

Đến sáng 30/7, trên địa bàn tỉnh Bình Phước ghi nhận 212 ca mắc COVID-19 tại 10/11 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có 8 ca khỏi bệnh đã được xuất viện.

[Sáng 30/7 ghi nhận 4.992 ca mắc mới, TP.HCM và Bình Dương vẫn cao nhất]

Tại Hà Giang, với phương châm “phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình," công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh đang được siết chặt.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào tỉnh để phòng, chống dịch; tăng cường bổ sung nhân lực, vật lực cho các chốt kiểm dịch nội địa, bảo đảm hoạt động 24/24 giờ; kiểm tra kiểm soát 100% người và phương tiện và địa bàn tỉnh.

Trong 9 ngày (từ ngày 21 đến 29/7), kể từ khi Hà Giang tạm dừng các phương tiện vận tải hành khách liên tỉnh, chốt kiểm dịch Cầu Trì đã thực hiện lấy tờ khai y tế của 6.925 người, trong đó số người về từ vùng có dịch theo thông báo của Bộ Y tế là 2.238 người, 6.915 người được đo thân nhiệt, số người được đưa đi cách ly là 94 người.

Ông Vũ Xuân Hải, Tổ phó Tổ kiểm dịch chốt cầu Trì, cho biết, 100% người và phương tiện qua đây đều được kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19 như phải có có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 có hiệu lực trong vòng 72h, thực hiện khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Các địa phương tăng cường biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trong khi đó, theo thông tin từ huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, xóm La Muôi, xã Tân Khánh tiếp tục ghi nhận thêm 1 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Đây là F1 của bệnh nhân số 109.195 được phát hiện vào ngày 27/7.

Như vậy, tính đến nay, ổ dịch tại huyện Phú Bình đã ghi nhận 7 ca bệnh đều ở xóm La Muôi.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã siết chặt một số hoạt động trên địa bàn như tạm dừng các hoạt động thể dục thể thao ngoài trời; các cơ sở giáo dục mầm non; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong nhà chỉ được phục vụ không quá 20 người trong một phòng ăn, và đảm bảo thực hiện nghiêm các yêu cầu về phòng, chống dịch; khuyến khích bán hàng mang đi, hạn chế phục vụ ăn uống tại chỗ…

Người điều khiển phương tiện, vận tải hàng hóa, nguyên vật liệu được sử dụng giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp test nhanh còn giá trị (trong vòng 72 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm) để lưu thông qua chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch COVID-19 khi vào tỉnh.

Ngoài ra, để kiểm soát chặt tình trạng “né chốt” hoặc khai báo không trung thực, tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch COVID-19 kiểm soát chặt chẽ người vào tỉnh, bố trí bổ sung các điểm chốt nếu cần thiết, có phương án kết nối, trao đổi thông tin giữa các chốt để kịp thời kiểm soát các trường hợp không đủ điều kiện vào tỉnh.

Tỉnh phát huy tối đa hoạt động của Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng và huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, người dân trong việc phát giác các trường hợp nghi ngờ vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19, tăng cường tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện các trường hợp “né chốt," nhất là các địa bàn có đường cao tốc đi qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục