Trong khi truyền thông Italy mới chỉ bắt đầu nói về nguy cơ thiếu khí đốt vào mùa Đông này thì các doanh nghiệp tại nước này đã phải chật vật xoay xở để tồn tại.
Mỗi năm, công ty Pelliconi sản xuất 35 tỷ nắp chai các loại, cung cấp chủ yếu cho thị trường Italy, Ai Cập và Trung Quốc.
Giống như các doanh nghiệp khác ở Italy, Pelliconi đang phải chật vật chi trả hóa đơn điện và khí đốt tăng gấp 3 lần. Nếu tình hình không cải thiện, công ty này có thể sẽ phải tăng giá thành sản phẩm vào năm tới để bù đắp chi phí sản xuất.
Để ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay, Pelliconi đã đẩy mạnh sản xuất bán thành phẩm đối với những sản phẩm tiêu hao nhiều năng lượng trong sản xuất, cũng như đầu tư xây dựng hệ thống pin năng lượng Mặt Trời và đưa vào thử nghiệm máy in kỹ thuật số mới để sản xuất các tấm kim loại mà không cần khí đốt.
Giám đốc điều hành UniCredit - tập đoàn ngân hàng và dịch vụ tài chính toàn cầu của Italy, ông Andrea Orcel, cho biết không chỉ Pelliconi, các công ty khác cũng đang phải điều chỉnh chiến lược để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng, cũng như tái cấu trúc chuỗi giá trị và công tác hậu cần. UniCredit đang cung cấp hỗ trợ tài chính để các công ty tăng công suất lắp đặt hệ thống năng lượng tái tạo.
[Italy công bố các biện pháp mới nhằm tiết kiệm năng lượng]
UniCredit cho biết hiện một số công ty trong các lĩnh vực không sử dụng nhiều năng lượng đã có thể tạo ra lượng điện năng đáp ứng 30-40% nhu cầu, thậm chí là 50% nhu cầu.
Từ đầu năm đến nay, chính phủ của Thủ tướng sắp mãn nhiệm Mario Draghi đã chi 66 tỷ euro từ thuế thu nhập để hỗ trợ các gia đình, doanh nghiệp ứng phó với khủng hoảng năng lượng.
Tuy nhiên, chính phủ dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ giảm nhẹ trong nửa sau của năm 2022, xu hướng đi xuống này có thể sẽ kéo dài sang quý I/2023, khiến Italy rơi vào suy thoái. Điều này sẽ làm giảm nguồn thu từ thuế nhu nhập và hạn chế khả năng sử dụng ngân sách của chính phủ.
Tuần trước, Hiệp hội công nghiệp Confindustria của Italy đã hối thúc chính phủ cung cấp thêm gói cứu trợ trị giá từ 40-50 tỷ euro (39-48 tỷ USD) để ngăn hàng nghìn công ty rơi vào cảnh phá sản và dẫn đến thất nghiệp quy mô lớn do giá năng lượng tăng cao./.