Mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng bên cạnh việc đảm bảo hoạt động khai thác, các hãng hàng không Vietnam Airlines và Vietjet đã dành ra một khoản chi phí không nhỏ cho công tác phòng chống dịch nhằm đem lại sự an toàn cho người lao động, hành khách và cộng đồng.
Phát sinh nhiều khoản chi “bình thường mới”
Theo thống kê từ đầu năm 2020 đến nay, Vietnam Airlines đã dành ra khoản ngân sách gần 40 tỷ đồng cho công tác ứng phó với đại dịch COVID-19 với những khoản chi cho những chuyến bay khai thác thường lệ gồm vệ sinh, khử trùng toàn bộ tàu bay hàng ngày (4-6 triệu/lượt tàu bay); trang bị bộ đồ bảo hộ, găng tay, khẩu trang y tế, khăn kháng khuẩn cho phi hành đoàn và hành khách trên chuyến bay; tăng cường thêm các trang thiết bị y tế dự phòng; vật tư, vật phẩm phục vụ chuyến bay.
Bên cạnh những chuyến bay khai thác thường lệ, các chuyến bay hồi hương đã phát sinh nhiều chi phí “không tên” như lắp đặt thêm nhiều thiết bị y tế để hỗ trợ bệnh nhân (máy lọc không khí, máy thở, máy khí dung, các monitor theo dõi...); lắp buồng áp lực dương; rèm nhựa dẻo ngăn cách 3 khoang hành khách để giảm thiểu nguy cơ virus phát tán; bọc kín nylon toàn bộ ghế ngồi và đặt sẵn khăn ướt tẩm cồn cùng các vật dụng cá nhân cần thiết trên các chuyến bay chở người nhiễm virus…
[Đại dịch COVID-19: Những chuyến bay trọn nghĩa đồng bào]
Đặc biệt, hãng cũng phải chấp nhận trả mức dịch vụ hàng không rất cao cho phục vụ mặt đất, thuê xe cứu hỏa, nạp nhiên liệu, mua suất ăn đồ uống tại một số sân bay… Đơn cử cho một chuyến bay từ Mỹ về Việt Nam, Vietnam Airlines đã chi trả hơn 1,4 tỷ đồng (62.000 USD) cho phục vụ mặt đất; gần 2,2 tỷ đồng (93.000 USD) tiền nhiên liệu và khoảng 350 triệu đồng (15.000 USD) cho suất ăn và dụng cụ phục vụ ăn uống.
Chưa kể, toàn bộ chiều đi của các chuyến giải cứu, hồi hương là tàu trống do không khai thác thương mại, chở khách, điều đó đồng nghĩa doanh thu một chiều phải trả cho chuyến bay hai chiều. Trong khi đó, hãng cũng huy động thành viên phi hành đoàn tăng gấp 2-3 lần so với thường lệ, có chuyến lên tới 32 người do không được nhập cảnh tại điểm đến và phải bay gần như liên tục suốt cả hành trình đi/về.
“Toàn bộ phi hành đoàn ngừng việc tối thiểu 14 ngày sau chuyến bay để thực hiện cách ly theo quy định. Mọi chi phí và lương của phi hành đoàn trong thời gian phải cách ly do Vietnam Airlines chi trả,” đại diện hãng bay này phân trần.
Không xác định doanh thu khi đưa người Việt về nước
Ngoài việc duy trì các chuyến bay thương mại thường nhật, những chuyến bay vận chuyển hàng hóa, trang thiết bị thiết yếu, những chuyến bay hồi hương công dân trong dịch COVID-19 là hoạt động sôi động nhất của Vietjet Air trong thời gian qua.
“Có những thời điểm, gần như ngày nào Vietjet cũng có chuyến bay đưa công dân từ nước ngoài về nước, trong đó có những chặng bay hãng chưa từng khai thác trước đó,” đại diện Vietjet cho hay.
Đến nay, Vietjet đã thực hiện hàng trăm chuyến bay “cõng” công dân với hàng triệu hành khách được giải tỏa khỏi những khu vực bị ảnh hưởng của dịch. Chi phí cho những chuyến bay này rất lớn và nhiều chuyến hãng phải bay rỗng một chiều.
“Tuy nhiên, Vietjet không xác định doanh thu từ những chuyến bay đưa công dân về nước mà xác định đây là trách nhiệm, là nhiệm vụ của hãng đối với đất nước, đối với đồng bào. Doanh thu lớn nhất mà hãng thu được từ những chuyến bay hồi hương chính là sự tin yêu của hành khách dành cho hãng, là niềm vui của hành khách khi họ trở về quê hương an toàn, mạnh khỏe, hạnh phúc, là hình ảnh Việt Nam nhân ái với đồng bào,” đại diện Vietjet nhấn mạnh.
Ngoài việc đầu tư chi phí lớn để đảm bảo an toàn sức khỏe cho hành khách, người lao động, Vietnam Airlines còn chủ động xây dựng bộ hướng dẫn riêng về phòng chống dịch COVID-19 trong công tác phục vụ chuyến bay dành cho nhân viên tuyến trước khi đã đánh giá nhiều yếu tố khác nhau để phân chia các chuyến bay thành 4 cấp độ rủi ro lây nhiễm từ thấp đến cao để có biện pháp kiểm soát phù hợp.
[Các hãng hàng không bảo vệ sức khỏe khách trước COVID-19 ra sao?]
Trong đó, tiêu chuẩn, quy trình phục vụ trên không vẫn được đơn giản hóa để hạn chế việc tiếp xúc nhiều lần, như ngừng cấp báo trên chuyến bay, sử dụng nước đóng chai, suất ăn được nấu chín, đóng kín, hoa quả phục vụ nguyên trái… Màng lọc HEPA (High Efficiency Particulate Air) trên máy bay loại bỏ vi khuẩn có kích thước tối thiểu từ 0.001 micromet, đồng thời máy bay liên tục làm mới không khí trong khoang sau mỗi 3 phút để mang đến cho hành khách bầu không khí vô trùng tương đương tiêu chuẩn phòng phẫu thuật.
“Các tiêu chuẩn phòng chống dịch bệnh từ mặt đất đến trên không của Vietnam Airlines hiện tương đương các hãng hàng không lớn như Delta, American Airlines, AirFrance, ANA, British Airways, Emirates…,” đại diện Vietnam Airlines quả quyết.
Khẳng định là hãng hàng không đầu tiên tại nước ta khử trùng toàn bộ đội tàu bay sau mỗi ngày khia thác, với mỗi chuyến bay hạ cánh tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, máy bay Vietnam Airlines không chỉ tiếp tục được vệ sinh sát khuẩn khoang khách theo quy trình thường lệ mà còn được phun khử khuẩn bằng hóa chất đặc dụng ngay sau khi hành khách rời tàu.
Vào cuối ngày khai thác, máy bay vẫn được phun khử khuẩn tồn lưu qua đêm bởi đơn vị y tế chức năng và quy trình đã được Vietnam Airlines áp dụng từ cuối tháng Ba đến nay tại Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất để toàn bộ đội tàu bay của hãng luôn sẵn sàng phục vụ hành khách với tiêu chuẩn vệ sinh, phòng dịch cao nhất./.