Ngày 16/4, các nhà lãnh đạo Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã tiến hành hội nghị trực tuyến nhằm phối hợp ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và tác động của dịch đối với nền kinh tế thế giới.
Đây là hội nghị trực tuyến thứ hai của G7 trong tháng này.
Trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn thế giới tiếp tục tăng, việc phát triển thuốc điều trị và vắcxin phòng bệnh cũng là một chủ đề được đưa ra thảo luận.
Trước đó, tại hội nghị trực tuyến ngày 14/4, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G7 đã tái khẳng định sự phối hợp chặt chẽ trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và làm giảm bớt những tác động của dịch bệnh.
[COVID-19: G7 sẵn sàng tạm hoãn việc thanh toán nợ cho các nước nghèo]
Tuyên bố chung nêu rõ: "Quy mô của cuộc khủng hoảng y tế này đang tạo ra những thách thức chưa từng có đối với nền kinh tế toàn cầu. Các bộ trưởng và thống đốc tái khẳng định cam kết sẽ làm mọi cách để khôi phục tăng trưởng kinh tế và bảo vệ việc làm, doanh nghiệp cũng như sự đàn hồi của hệ thống tài chính."
Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế thế giới dự báo suy giảm 3% trong năm 2020. Các nước thành viên G7, gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italy, Canada đều nằm trong số những nước dịch COVID-19 hoành hành mạnh nhất.
Nhật Bản ghi nhận số ca nhiễm ít nhất trong G7, với 8.626 ca nhiễm và 178 ca tử vong. Tuy nhiên, trước khi tiến hành cuộc họp này, Thủ tướng Shinzo Abe đã quyết định mở rộng tình trạng khẩn cấp từ 7 tỉnh ra toàn quốc. Quyết định này được cho là cũng sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới./.