Các mối quan ngại vẫn đang "bủa vây" nền kinh tế Đức

Một số chuyên gia vẫn cảnh báo rằng nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang phải đối mặt với những nguy cơ trong bối cảnh đà giảm tốc của kinh tế toàn cầu tiếp tục tác động tiêu cực tới xuất khẩu và đầu tư.
Các mối quan ngại vẫn đang "bủa vây" nền kinh tế Đức ảnh 1Một doanh nghiệp sản xuất xe hơi của Đức. (Nguồn: Reuters)

Các số liệu mới đây cho thấy niềm tin vào nền kinh tế Đức đang có bước cải thiện trong tháng 3/2016.

Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn cảnh báo rằng nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang phải đối mặt với những nguy cơ trong bối cảnh đà giảm tốc của kinh tế toàn cầu tiếp tục tác động tiêu cực tới xuất khẩu và đầu tư.

Lòng tin của các nhà đầu tư và giới doanh nghiệp Đức đều cải thiện trong tháng 3/2016. Cụ thể, theo số liệu từ Trung tâm nghiên cứu kinh tế châu Âu (ZEW), chỉ số lòng tin nhà đầu tư Đức trong tháng Ba này đã tăng nhẹ lên 4,3 điểm, so với mức 3,3 điểm của tháng trước.

Trong khi đó, Viện nghiên cứu kinh tế Ifo cũng cho hay chỉ số lòng tin của các doanh nghiệp Đức trong tháng Ba cũng nhích lên lần đầu tiên trong bốn tháng qua, từ 105,7 điểm lên 106,7 điểm.

Theo Carsten Brzeski, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng ING-DiBa, giới doanh nghiệp Đức dường như đã giũ bỏ được các mối lo sợ về tình trạng tăng trưởng trì trệ kéo dài của kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, không phải nhà phân tích nào cũng lạc quan như vậy. Ngày 21/3 vừa qua, các chuyên gia thuộc Ngân hàng trung ương Đức nhận định rằng nền kinh tế "đầu tàu" châu Âu có thể sẽ tăng trưởng chậm lại trong quý 2/2016, giữa bối cảnh lượng đơn đặt hàng công nghiệp đình trệ.

Báo cáo từ Markit (có trụ sở tại London) cho hay chỉ số quản lý nhà mua hàng (PMI) tại khu vực chế tạo của Đức đã giảm xuống 50,4 điểm trong tháng 3/2016, đồng nghĩa với việc lĩnh vực chế tạo của nước này đang tăng trưởng ở mức chậm nhất trong 16 tháng qua.

Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa Đức từ các thị trường quốc tế vốn là động lực giúp nền kinh tế lớn nhất châu Âu "miễn nhiễm" với các cú sốc bên ngoài, như sư giảm tốc của kinh tế Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi, cũng như căng thẳng địa chính trị tại nhiều khu vực trên thế giới.

Năm 2015, tiêu dùng nội địa đã thế chỗ xuất khẩu trở thành động lực tăng trưởng chính của kinh tế Đức. Tuy nhiên, số liệu yếu kém về lượng đơn đặt hàng chế tạo cho thấy nhu cầu tiêu thụ cả trong và ngoài nước Đức đang suy yếu.

Trong tháng 1/2016, lượng đơn đặt hàng nội địa của Đức giảm 1,6%, trong khi lượng đơn đặt hàng từ các nước ngoài Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng hạ 2,7% so với cùng kỳ năm 2015.

Hồi tháng 1/2016, Chính phủ Đức đã hạ dự báo về tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2016 từ 1,8% xuống 1,7%. Chính phủ cam kết sẽ đẩy mạnh hoạt động đầu tư công, hỗ trợ số hóa trong lĩnh vực công nghiệp và triển khai các biện pháp kích thích đầu tư tư nhân.

Chính phủ Đức dự tính sẽ duy trì cân bằng ngân sách tới ít nhất là năm 2020, bất chấp chi tiêu công gia tăng do cuộc khủng hoảng người di cư đang "hoành hành" tại châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục