Các ngân hàng trung ương quản lý hàng nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối đang tăng cường mua vàng khi căng thẳng địa chính trị như xung đột tại Ukraine buộc họ phải xem xét lại các chiến lược đầu tư.
Một khảo sát thường niên với 83 ngân hàng trung ương hiện quản lý tổng cộng 7.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối cho thấy hơn 2/3 số ngân hàng cho biết các nhà quản lý sẽ tăng lượng vàng nắm giữ trong năm 2023.
Vàng có xu hướng tăng sức hấp dẫn trong những giai đoạn bất ổn và nhu cầu vàng tăng mạnh trong năm qua. Theo Hội đồng Vàng Thế giới, lượng vàng mà các ngân hàng trung ương đã mua tăng 152% trong năm 2022, lên 1.136 tấn.
Theo Khảo sát các xu hướng quản lý dự trữ của HSBC, hầu hết các nhà quản lý dự trữ ngoại hối tham gia khảo sát coi rủi ro địa chính trị là một trong những lo ngại lớn nhất, chỉ sau lạm phát cao.
Hơn 40% số người được hỏi cho rủi ro địa chính trị là một trong những rủi ro chính, so với 23% trong khảo sát năm ngoái. 1/3 số người tham gia đã thay đổi hoặc có kế hoạch điều chỉnh về các tải sản mua vào do những căng thẳng như xung đột tại Ukraine và quan hệ Mỹ-Trung xấu đi.
[Tổng Giám đốc IMF cảnh báo nguy cơ xảy ra Chiến tranh Lạnh mới]
Tác giả của khảo sát, Víctor Méndez-Barreira, cho rằng xung đột tại Ukraine là yếu tố mà các nhà quản lý dự trữ cần có phản ứng.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã mua 62 tấn vàng vào tháng 11 và 12/2022, đưa tổng lượng vàng dự trữ lần đầu tiên vượt mức 2.000 tấn.
Lượng vàng dự trữ chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ tăng 148 tấn lên 542 tấn trong năm ngoái. Các nước Trung Đông và Trung Á cũng tích cực mua vàng trong năm 2022.
Giá vàng hiện ở gần mức cao kỷ lục, sau khi lạm phát tăng mạnh trong năm ngoái.
Đa số những người tham gia khảo sát cho rằng đồng NDT sẽ chiếm tỷ lệ lớn hơn trong dự trữ ngoại hối trong từ nay đến hết thập kỷ này.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde cảnh báo căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể ảnh hưởng tiêu cực đến vị thế dẫn đầu của đồng USD và euro trong quản lý dự trữ ngoại hối của toàn cầu.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đồng USD chiếm 58% dự trữ ngoại hối của toàn bộ các ngân hàng trung ương trong quý 4/2022, trong khi đồng euro chiếm trên 20% và đồng NDT chiếm 2,7%./.