Các ngân hàng vẫn bị "bó cứng" về chính sách

Chưa linh hoạt và uyển chuyển, phản ứng vẫn còn chậm trước diễn biến thị trường... là những "hạt sạn" trong điều hành tiền tệ năm qua.
Năm 2009, mặc dù hệ thống ngân hàng đã có đóng góp đáng kể vào duy trì tăng trưởng kinh tế, nhưng vẫn bộc lộ nhiều điểm hạn chế cố hữu. Chính sách tiền tệ chưa thực sự linh hoạt và uyển chuyển, phản ứng chính sách vẫn còn chậm trước những diễn biến của thị trường... là những "hạt sạn" trong điều hành của năm qua.

Đây là những ý kiến được nêu ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2010 của ngành ngân hàng vừa diễn ra ngày hôm nay (23/12), tại Hà Nội.

Tăng huy động vốn thấp hơn tăng tín dụng

Theo con số thống kê của Ngân hàng Nhà nước, nếu như tổng vốn huy động trong năm 2009 chỉ tăng xấp xỉ 30% (28,7%), thì tốc độ tăng trưởng tín dụng đã đạt gần 40% (37,73%)

Cũng theo cơ quan này, so cuối tháng 12/2008, tổng phương tiện thanh toán của nền kinh tế đã tăng 28,67%.

Nguyên nhân được Ngân hàng Nhà nước đưa ra là do tác động của các giải pháp kích thích kinh tế, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp, hộ sản xuất tăng cao, kéo theo tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng ở mức cao.

Mặt khác, huy động vốn của các tổ chức tín dụng đã gặp nhiều khó khăn trong năm qua, ảnh hưởng đến khả năng cân đối vốn của các tổ chức tín dụng. Lãi suất huy động tăng cao trong khi trần lãi suất cho vay bị khống chế bởi lãi suất cơ bản làm chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay bị thu hẹp, gây khó khăn cho việc trích lập dự phòng rủi ro và ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các tổ chức tín dụng.

Về việc khống chế trần lãi suất cho vay (theo điều 474 và 476 của Bộ Luật Dân sự), bà Dương Thu Hương cho rằng, quy định như hiện nay là không còn phù hợp, làm "bóp méo" quan hệ cung-cầu trên thị trường và cũng dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các ngân hàng.

"Việc khống chế lãi suất cho vay theo biện pháp hành chính như vậy với mục đích để ngăn ngừa và kiểm soát tín dụng 'đen' là không thích hợp khi 'áp' sang tín dụng chính thức." - bà Hương nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Phạm Huy Hùng-Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng cũng đồng tình khi cho rằng, chính việc khống chế này đã "kéo" lãi suất huy động và lãi suất cho vay sát nhau, thậm chí lãi suất huy động ở một vài ngân hàng còn "chào" cao hơn lãi suất cho vay của chính ngân hàng đó!

"Nhân viên một chi nhánh của chúng tôi đã báo cáo rằng có ngân hàng trên cùng địa bàn đã 'chào' khách hàng lãi suất huy động lên tới 11,5%, trong khi lãi suất cho vay của ngân hàng đó đưa ra chỉ 5-6% đã khiến chúng tôi không thể hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra. Tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước phải tiến hành thanh tra, tránh sự xáo trộn trong hệ thống ngân hàng." - ông Hùng bức xúc.

Ra biển lớn nhưng chưa đủ mạnh

Một trong những con số đáng quan tâm của hệ thống ngân hàng nữa là nợ xấu. Nếu như năm 2008, trong bối cảnh lãi suất có nhiều biến động thì mức nợ xấu của toàn ngành ngân hàng cũng chỉ rơi vào mức 2,17%. Năm nay, con số này là 2,2% trên tổng dư nợ.

"Con số này sẽ còn gia tăng, bởi theo thanh tra từ Ngân hàng Nhà nước thì việc hỗ trợ lãi suất 'nhầm địa chỉ' hiện đã lên tới 9.000-10.000 tỷ đồng. Vì vậy, theo tôi nếu kiểm tra hết, nợ xấu sẽ vẫn nhiều khả năng gia tăng." - ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa, cho biết như vậy bên lề hội nghị.

Tuy nhiên, con số này, theo ông Kiêm, cũng không đáng lo ngại, mà quan trọng hơn là Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện việc thanh tra giám sát các ngân hàng thương mại một cách toàn diện và cụ thể, đảm bảo các khoản vay đều đúng đối tượng và chất lượng tín dụng tốt.

Cũng theo ông Kiêm, trong năm tới (2010), việc Ngân hàng Nhà nước phát đi tín hiệu thắt chặt tín dụng ngay từ cuối năm 2009 đồng thời việc hỗ trợ lãi suất ngắn hạn đã được dừng lại thì vấn đề nợ xấu cũng không phải là mối bận tâm lớn. Tuy nhiên, các ngân hàng cần phải nhanh chóng rà soát lại các đối tượng vay vốn để đảm bảo họ sử dụng đồng vốn vay hiệu quả, trả nợ đúng hạn.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đức Vinh-Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương (Techcombank) cho rằng, điểm mấu chốt là Ngân hàng Nhà nước cần hoàn thiện các văn bản quy định nhằm tạo hạ tầng pháp lý lâu dài và ổn định cho các ngân hàng thương mại hoạt động.

"Các ngân hàng thương mại Việt Nam mặc dù đã phải đi ra biển lớn nhưng thực sự vẫn chưa đủ mạnh. Các ngân hàng của chúng ta nếu so về quy mô và trình độ quản trị thì mới ở độ tuổi thiếu niên mà thôi." - ông Vinh nói.

Trên cơ sở nhìn nhận những mặt còn hạn chế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết trong năm 2010, cơ quan này sẽ tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung quy định về tiền tệ và hoạt động ngân hàng phù hợp với các cam kết hội nhập và mở cửa thị trường tài chính, đặc biệt là quy định về đảm bảo an toàn hệ thống và quản lý ngoại hối.

Ngân hàng Nhà nước cũng đặt ra mục tiêu hoàn thiện 2 dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các Tổ chức tín dụng để trình Quốc hội thông qua đồng thời xây dựng các văn bản hướng dẫn để có thể áp dụng ngay sau khi Luật có hiệu lực thi hành.

“Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo đuổi điều hành linh hoạt lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu để kiểm soát mặt bằng lãi suất thị trường ở mức hợp lý và thực dương, tạo điều kiện cho việc huy động các nguồn vốn trong nền kinh tế để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng.” - ông Giàu nhấn mạnh.

Với  thị trường ngoại hối, cơ quan này cho biết sẽ quản lý tốt, ngăn ngừa tiêu cực từ việc mua bán, thanh toán ngoại tệ giữa các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu với các ngân hàng thương mại, ngăn chặn hiện tượng đầu cơ trong mua bán ngoại tệ, vàng; thực hiện biện pháp tích cực, linh hoạt để thị trường vàng trong nước thích ứng với biến động của thị trường vàng thế giới; phát triển các công cụ trên thị trường ngoại hối để các thành viên tham gia thị trường có thể lựa chọn để chủ động phòng ngừa rủi ro.

"Riêng về việc kinh doanh vàng, chúng tôi sẽ xem xét lại việc cấp phép mở tài khoản kinh doanh vàng tại nước ngoài." - ông Giàu cho biết.

Năm 2010, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng khoảng 25% so với cuối năm 2009.

Chia sẻ về dư luận cho rằng các ngân hàng lãi lớn trong năm 2009, ông Nguyễn Đức Vinh-Tổng Giám đốc Techcombank nói: Nếu xét về hiệu quả sử dụng vốn thì hiện các ngân hàng hiện mới chỉ vào khoảng 15%, thấp hơn nhiều so với các ngành kinh doanh khác (trừ một số ngành gặp khó khăn như giao thông vận tải).

"Không thể nhìn vào con số lãi hàng nghìn tỷ của một vài ngân hàng lớn mà cho rằng kinh doanh ngân hàng lãi lớn. Thực chất, đây là một ngành kinh doanh có tỷ lệ lãi vào loại thấp cũng như độ rủi ro lại rất cao." - ông Vinh nói.

Chính vì hiểu như vậy, theo ông Vinh, vô hình chung các ngân hàng đã bị sức ép trong việc phải giảm lãi suất và đưa ra các điều kiện đáp ứng doanh nghiệp.
Anh Quân (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục