Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn xa lánh Ai Cập

Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Ai Cập giảm sút nhiều so với trước năm 2011 do những lo ngại về bất ổn chính trị tại quốc gia này.
Theo tuần báo Al Ahram của Ai Cập, đầu tư nước ngoài vào nước này giảm sút nhiều so với trước năm 2011. Quốc gia này vẫn chưa phục hồi được dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong hai năm liên tiếp.

Báo cáo hàng năm về xu hướng đầu tư trên thế giới do Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố tuần trước cho thấy FDI tại Ai Cập đạt 2,7 tỷ USD trong năm 2012, chiếm gần 1/4 dòng vốn đầu tư vào Bắc Phi.

Mặc dù có tăng so với năm 2011, nhưng con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức đã đạt được trước năm 2011 (6 tỷ USD).

Báo cáo năm 2012 của Ngân hàng Trung ương Ai Cập còn cho biết thêm lĩnh vực dầu khí thu hút hơn một nửa vốn FDI của nước này.

Về lĩnh vực này, Wael Ziada, người đứng đầu nhóm nghiên cứu của Tập đoàn tài chính EFG-Hermes, cho biết: "Trong năm 2011, bất ổn chính trị đã khiến các tập đoàn dầu khí đa quốc gia không những không đầu tư thêm vào Ai Cập, mà còn rút bớt hoạt động trong năm ngoái vì lo ngại nguy cơ ngừng sản xuất."

[Tình hình bất ổn tại Ai Cập: Xây tiếp những giấc mơ] 


Thậm chí đáng lo ngại hơn, các khoản đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này đã giảm trên 66%, từ 626 triệu USD năm 2011 xuống 211 triệu USD trong năm 2012.

Ngoài ra, hoạt động mua lại và sáp nhập ở Ai Cập cũng sa sút trong năm 2012. Trên thực tế, chỉ có một vụ mua lại ngân hàng BNP Paribas của Emirates NBD, với giá khoảng 500 triệu USD. Số tiền này sau đó được chuyển ra nước ngoài, dẫn đến thương vụ này có giá trị âm.

Do bất ổn chính trị trong nước còn kéo dài, Ai Cập khó có thể giành lại vị trí đã có trước cuộc cách mạng 25/1 và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trở lại.

Theo báo cáo của UNCTAD, trong số 20 quốc gia trong khu vực MENA (các nước vùng Vịnh, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và các nước Bắc Phi), Ai Cập đứng thứ 6 về thu hút đầu tư nước ngoài. Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu trong bảng xếp hạng này (12,4 tỷ USD), tiếp theo là Arập Xêút (12,1 tỷ USD), Israel (10 tỷ USD).

Marocco lần đầu tiên vượt qua Ai Cập với 2,8 tỷ USD./.

Hoàng Chiến (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục