Liên quan đến việc tăng giá cước 3G đã làm tê liệt thiết bị giám sát hành trình (hộp đen-GPS) khiến doanh nghiệp vận tải lao đao, đại diện các doanh nghiệp viễn thông khẳng định sẽ sớm có riêng gói cước phù hợp với ngành vận tải. Các đơn vị có thể lựa chọn, dùng thử trước khi ký hợp đồng sử dụng chính thức.
Tuy nhiên, theo quy trình, sớm nhất ngày 16/11 tới, nhà mạng mới có thể khai báo giá và triển khai gói cước đặc thù này và điều đó đồng nghĩa với việc các đơn vị vận tải vẫn phải “còng” lưng gánh cước.
“Còng” lưng trả cước
Tại cuộc họp bàn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải khi cước 3G tăng tại Bộ Giao thông Vận tải ngày 30/10, ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam cho biết, việc nhà mạng tăng cước 3G đã tác động rất lớn đến đơn vị vận tải và đơn vị cung cấp thiết bị hộp đen. Thậm chí, hàng nghìn thiết bị đã phải ngừng hoạt động vì doanh nghiệp không đủ tài chính để nạp tiền.
Chứng minh điều này, ông Thanh đưa ra dẫn chứng, trong hơn 10 ngày tăng cước 3G (từ 16/10), có doanh nghiệp phải nạp tiền cước phát sinh lên tới 170 triệu đồng.
“Nhiều công ty dù đã cố gắng hết khả năng nhưng cũng chỉ trụ được đến ngày 10/11 vì không còn tiềm lực tài chính để chi trả tiền cước. Do đó, hàng loạt thiết bị gắn trên ôtô có nguy cơ bị ngừng hoạt động vì hết tiền,” ông Than cho hay.
Đồng tình, ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần CH Hà Nội (đơn vị cung cấp thiết bị hộp đen) cho hay, đơn vị này có khoảng 2.500 thiết bị hộp đen lắp đặt trên ôtô của các doanh nghiệp vận tải, trong hơn 10 ngày vừa qua, đơn vị đã phải nạp thêm 45 triệu đồng cước phát sinh.
“Theo thống kê, đến ngày 30/10, chỉ còn 1.086 thiết bị lắp đặt hoạt động, số còn lại phải tạm ngừng vì doanh nghiệp không đủ tiền nạp,” vị giám đốc này cho biết.
Theo ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải), thực hiện quy định của Luật Giao thông đường bộ, từ năm 2008, các phương tiện cơ giới trong diện bắt buộc phải lắp đặt thiết bị hộp đen. Đến nay, đã có khoảng 50.000 phương tiện lắp đặt thiết bị này.
Ngoài ra, theo vị Vụ trưởng này, Bộ Giao thông Vận tải đang sửa đổi Nghị định 91 về điều kiện kinh doanh vận tải và theo đó sẽ mở rộng đối tượng phải lắp đặt thiết bị gồm cả taxi và kinh doanh vận tải hàng hóa thông thường. Vì vậy, đối tượng sử dụng thiết bị hộp đen sẽ rất lớn, chỉ một thay đổi nhỏ cũng sẽ gây tác động trên quy mô rộng.
“Từ đầu năm đến nay, chi phí đầu vào của ngành vận tải tăng 72%. Vì vậy, chỉ cần thêm một cú hích nhỏ nữa cũng đủ đốn ngã ngành kinh doanh này,” ông Hùng nói.
Sẽ có gói cước mới
Số liệu từ Hiệp hội vận tải Ôtô Việt Nam cho thấy, 70% sim gắn trên thiết bị hộp đen hiện nay dùng dịch vụ của nhà mạng Viettel, còn lại là MobiFone và VinaPhone.
Đại diện Viettel cho rằng, đơn vị này chỉ tăng cước trên một số gói, với những gói chuyên biệt dành cho thiết bị hộp đen như V-tracking từ đầu năm 2011 đến nay không điều chỉnh.
Tuy nhiên, các đơn vị vận tải lại không sử dụng đúng gói cước vận tải của Viettel nên lại gặp khó khăn khi nhà mạng này tăng giá.
Ông Tạ Công Thuận, Chi hội trưởng các doanh nghiệp cung cấp thiết bị hộp đen cho biết, với cách tính block mới của Viettel thì cước phí tăng lên rất nhiều lần.
Dẫn chứng, mỗi lần xe mất sóng, kết nối lại là tự động mất 50 Kb, xe di chuyển càng nhiều thì lượng dùng càng nhiều. Đây chính là lý do vì sao tiền nạp vào Sim sử dụng lại nhanh chóng hết.
Hơn nữa, theo ông Thuận, tại thời điểm lắp đặt thiết bị hộp đen cho các doanh nghiệp vận tải thì các gói cước như Mi10, Laptop Easy là phù hợp nhất về kinh tế là lưu lượng sử dụng.
“Gói cước chuyên biệt V-tracking của Viettel không tăng trong đợt này nhưng so với các gói cước như Mi10, Laptop Easy vẫn đắt hơn,” ông Thuận nhìn nhận.
Còn theo ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng Giám đốc MobiFone, do đặc thù của ngành vận tải cần sử dụng 3G với lưu lượng thấp, tốc độ truyền không cao, lại di chuyển liên tục nên cách tính block 50kb như hiện tại không phù hợp với thiết bị hộp đen.
“Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp vận tải, đơn vị cung cấp thiết bị hộp đen ký hợp đồng chính thức với nhà mạng. MobiFone có nhiều gói cước phù hợp với ngành vận tải. Các doanh nghiệp có thể lựa chọn, dùng thử trước khi ký hợp đồng sử dụng chính thức,” ông Chiến nói.
Theo đại diện Viettel, hãng sẽ tìm ra giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải một cách tốt nhất bằng cách cơ cấu gói cước riêng, tính toán hỗ trợ các doanh nghiệp để cùng phát triển.
“Viettel đề xuất gói cước mới 10.000 đồng/tháng với 50Mb, block tính 10kb, cho phép chuyển đổi các sim 3G đang dùng sang gói này. Tuy nhiên, mức hỗ trợ bao nhiêu phải bàn bạc, xem xét trình lãnh đạo công ty cũng như Bộ Thông tin và Truyền thông. Và sớm nhất cũng phải đến ngày 16/11 mới triển khai do chu trình khai báo cước thường vào đầu hoặc giữa tháng,” đại diện Viettel tiết lộ.
“Chốt” lại vấn đề, ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Cục yêu cầu kiểm tra tất cả các sim hiện đang dùng trong các thiết bị hộp đen có đúng đăng ký hay không? Nếu sai sẽ buộc ngừng sử dụng vì liên quan đến vấn đề an ninh.
Về việc gói cước chuyên biệt mới, ông Trung nói: “Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết sẽ tạo điều kiện, giải quyết nhanh về mặt thủ tục cho các nhà mạng. Ngoài ra, sim phải gắn được vào mọi thiết bị hộp đen để các nhà cung cấp đều có thể sử dụng được.”/.
Trước việc các nhà mạng thay đổi cách tính giá cước truyền dữ liệu dẫn đến chi phí dịch vụ 3G tăng đột ngột, khiến hàng nghìn hộp đen xe ôtô của các doanh nghiệp vận tải ngừng hoạt động do không kịp nạp tiền, Bộ Giao thông Vận tải ngày 25/10 đã có văn bản xin chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc này. Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng tuần tra, kiểm soát tạm thời không xử lý vi phạm đối với các chủ xe, lái xe trong trường hợp thiết bị giám sát hành trình không hoạt động đúng quy định do tài khoản thuê bao 3G hết tiền đột ngột; thời gian áp dụng đến hết ngày 30/11/2013. |