Các nước ASEAN+3 mong muốn đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực

Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN+3 mong muốn sớm ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực như dự kiến trong năm, phát đi tín hiệu rõ ràng về thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 lần thứ 21. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 lần thứ 21. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Chiều 9/9, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (ASEAN+3) lần thứ 21 đã diễn ra theo hình thức trực tuyến. 

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đánh giá cao những kết quả đáng ghi nhận của hợp tác ASEAN+3 và mong muốn sớm ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực như dự kiến trong năm, phát đi tín hiệu rõ ràng về thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực.

Tất cả các bên cho rằng đối mặt với nhiệm vụ kép là phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và phục hồi kinh tế-các nước ASEAN+3 cần tuân thủ đoàn kết, hợp tác, cởi mở và bao dung, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực y tế công cộng, đầu tư kinh tế và thương mại, chuyển đổi số, an ninh lương thực, du lịch và các lĩnh vực khác.

Đồng thời tăng cường kết nối, đảm bảo chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng vận hành suôn sẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi nhân sự, nâng cao khả năng chống chọi với các thách thức khác nhau và cùng hợp tác vì sự ổn định, phát triển và thịnh vượng của khu vực.

[ASEAN 2020: Hội nghị Ngoại giao ASEAN với ba nước Đông Á]

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nêu một số khuyến nghị của Trung Quốc, trong đó có nâng cao trình độ quản lý y tế công cộng và tăng cường hợp tác phát triển vắcxin.

Ông cho biết Trung Quốc sẵn sàng đi đầu trong việc nghiên cứu xây dựng Trung tâm dự trữ vật tư y tế khẩn cấp ASEAN+3 trên cơ sở kho dự trữ vật tư y tế khẩn cấp ASEAN, tăng cường phối hợp với kho dự trữ ASEAN; tiếp tục hỗ trợ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến toàn cầu chống dịch bệnh.

Ông Vương Nghị cũng yêu cầu các nước cùng nhau phản đối việc chính trị hóa dịch bệnh và kỳ thị liên quan virus SARS-CoV-2, đồng thời thúc đẩy việc chung tay xây dựng một cộng đồng sức khỏe con người.

Các nước ASEAN+3 mong muốn đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực ảnh 1Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 lần thứ 21. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Ông Vương Nghị cũng đề xuất nâng cao mức độ phục hồi kinh tế, lấy khu vực làm chỉnh thể, tích cực tìm hiểu con đường phục hồi sau dịch.

Ông kêu gọi thúc đẩy thiết lập mạng lưới “kênh nhanh” và “kênh xanh” trong khu vực, đẩy nhanh tốc độ nối lại công việc và sản xuất, thúc đẩy lưu thông kinh tế trong khu vực; kiên định ủng hộ chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do, đồng thời ký kết hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực như dự kiến trong năm; hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, theo sát sự phát triển của số hóa, mạng và trí tuệ, đồng thời mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới nổi.

Bên cạnh đó, các nước ASEAN+3 cũng cần nâng cao mức độ phản ứng với khủng hoảng; nâng cao hiệu quả đa phương hóa của Sáng kiến Chiang Mai, mở rộng các lĩnh vực hợp tác tài chính, mở rộng việc sử dụng nội tệ và giúp xây dựng các khu thương mại tự do trong khu vực; cải thiện khả năng quản lý thiên tai và ứng phó khẩn cấp trong khu vực, và duy trì an ninh lương thực khu vực.

Bộ trưởng Vương Nghị đồng thời khuyến nghị nâng cao mức độ phát triển bền vững; tiếp tục thực hiện “Sáng kiến hợp tác xóa đói giảm nghèo khu vực Đông Á” nhằm thúc đẩy phát triển xóa đói giảm nghèo trong khu vực.

Thông qua Hợp tác Mekong-Lan Thương và Khu vực tăng trưởng phía Đông Trung Quốc-ASEAN và các cơ chế tiểu vùng khác, thực hiện những dự án hợp tác thiết thực hơn trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, tài nguyên nước và nông nghiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển cân bằng của khu vực; tận dụng tốt mô hình hợp tác "Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc + X," thực hiện nhiều dự án hơn, tạo động lực mới cho phát triển bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục