Các nước châu Á sẽ vượt Mỹ về chi tiêu quốc phòng

Trong 8 năm tới, chi tiêu quân sự ở châu Á sẽ tăng 35%, lên 501 tỷ USD, trong khi con số này của Mỹ sẽ giảm 28%, xuống còn 472 tỷ USD.
Ngày 25/6, công ty chuyên theo dõi thương mại quốc phòng toàn cầu IHS Jane's công bố báo cáo nhận định các cường quốc châu Á sẽ sớm vượt qua Mỹ về chi phí quốc phòng.

Báo cáo của IHS Jane's cho biết, qua nghiên cứu 34.000 chương trình mua sắm vũ khí toàn cầu, cơ quan này nhận thấy đến năm 2021, thị trường thương mại vũ khí toàn cầu sẽ chứng kiến sự bùng nổ mua sắm vũ khí ở châu Á khi các nước lớn ở khu vực này vượt qua Mỹ để trở thành những quốc gia có chi phí quốc phòng nhiều nhất.

Cụ thể, trong 8 năm tới, chi tiêu quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, sẽ tăng 35%, lên 501 tỷ USD. Trong khi đó, chi tiêu quân sự của Mỹ sẽ giảm 28%, xuống còn 472 tỷ USD.

Trong thập kỷ qua, Mỹ vẫn chiếm phần lớn chi phí quốc phòng toàn cầu. Tuy nhiên, do ngân sách hàng năm bị cắt giảm, cộng thêm kế hoạch rút quân ra khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014 nên chi phí quốc phòng của Mỹ đến năm 2021 chỉ còn chiếm 30% chi phí quốc phòng toàn cầu, đứng sau khu vực châu Á với 31%.

Ngược lại, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc được dự báo tăng 64% lên 207 tỷ USD, Ấn Độ và Indonesia lần lượt tăng 54% và 113%.

Theo Giám đốc cao cấp của IHS Jane's, ông Paul Burton, chi tiêu quốc phòng đang có xu hướng dịch chuyển từ Tây sang Đông, tạo sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt và dẫn tới hiện tượng bùng nổ lớn chưa từng có trên thị trường vũ khí toàn cầu.

Theo số liệu thống kê, năm 2012 ghi nhận dấu mốc lần đầu tiên chi tiêu quốc phòng của châu Á vượt châu Âu, với tổng chi ngân sách quốc phòng đạt 287,4 tỷ USD, tăng 4,9%.

Báo cáo mới nhất của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) cho biết chi tiêu quốc phòng của các nước châu Á tăng đột biến chủ yếu do Trung Quốc liên tục tăng ngân sách quốc phòng, trong đó riêng năm 2012 nước này tăng 8,3%.

Trong khi đó, tổng chi ngân sách quốc phòng của châu Âu từ năm 2006 đến nay đã giảm khoảng 11%. Tuy nhiên, Mỹ vẫn tiếp tục là quốc gia chi tiêu nhiều nhất cho quốc phòng trong năm 2012, chiếm khoảng 45,3% tổng ngân sách quân sự toàn cầu./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục