Các nước châu Phi có đà tăng trưởng khá ấn tượng

Bất chấp tỷ lệ tăng trưởng kinh tế toàn cầu dẫm chân tại chỗ, song các quốc gia ở châu Phi đều có đà tăng trưởng khá ấn tượng.
Ngày 23/4, tại trụ sở chính ở New York, Mỹ, Liên hợp quốc đã cho lưu hành Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế châu Phi, trong đó khẳng định những năm qua, bất chấp tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia và khu vực bị chậm lại, thậm chí dẫm chân tại chỗ, song các quốc gia ở châu Phi nói chung đều có đà tăng trưởng khá ấn tượng chủ yếu nhờ khai thác nguồn nguyên liệu thô.

Trong bản báo cáo trên, các chuyên gia kinh tế của Liên hợp quốc đánh giá nền kinh tế châu Phi tuy có phát triển, song nhìn chung đều thiếu tính ổn định, lên xuống thất thường.

Trong giai đoạn từ năm 2002-2008, châu lục này đạt mức tăng trưởng trung bình 5,6%, song ngay năm sau đó tụt xuống 2,2% do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu, và đến 2010 đã bắt đầu phục hồi với mức tăng trưởng GDP đạt 4,6% và năm ngoái đạt 5,0% sau một năm bị trì trệ.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho biết châu Phi có nguồn tài nguyên thiên nhiên rất dồi dào, với 12% trữ lượng dầu mỏ, 40% trữ lượng vàng, từ 80- 90% trữ lượng crôm, và 60% diện tích đất canh tác và rừng của toàn thế giới.

Tuy nhiên, do các nước châu Phi chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô, và cho thuê đất canh tác, nên lợi nhuận thu được rất hạn chế, và đấy là một trong những lý do chính khiến nền kinh tế của châu lục này chưa thể khởi sắc.

Trước thực tế đó, Liên hợp quốc kêu gọi các nước châu Phi trong quá trình cải cách và phát triển kinh tế, một mặt vẫn dựa trên thế mạnh về nguyên liệu và đất đai hiện có, song đồng thời phải đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình phát triển đất nước, biến các loại nguyên liệu thô thành sản phẩm hàng hóa để xuất khẩu ra nước ngoài, mang lại giá trị kinh tế lớn hơn, phục vụ công cuộc phát triển đất nước.

Ngoài ra, theo các nhà kinh tế Liên hợp quốc, quá trình công nghiệp hóa đất nước và châu lục như vậy chắc chắn sẽ góp phần giúp châu Phi giải quyết nạn thất nghiệp, đói nghèo và bất bình đẳng trong xã hội./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục