Các cường quốc lớn như Trung Quốc, Nga, Mỹ và Ấn Độ ngày 12/12 đều đã có phản ứng về vụ Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa mang theo vệ tinh lên quỹ đạo.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này “lấy làm tiếc” về vụ phóng của Triều Tiên. “Chúng tôi bày tỏ lấy làm tiếc về vụ phóng của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên bất chấp những quan ngại của cộng đồng quốc tế,” người phát ngôn Hồng Lỗi nói trong một tuyên bố. Nga cũng bày tỏ “hết sức lấy làm tiếc” về vụ phóng của Triều Tiên, đồng thời cảnh báo điều này sẽ không giúp cải thiện ổn định trong khu vực. “Nga hết sức lấy làm việc về việc phóng tên lửa do Triều Tiên thực hiện, coi thường ý kiến của cộng đồng quốc tế, trong đó có lời kêu gọi của Mátxcơva,” thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga nói. Nga cũng cho biết vụ phóng sẽ gây ra “tác động xấu" tới tình hình khu vực và nói điều này là “không thể chấp nhận được,” vi phạm nghị quyết 1874 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, cấm Triều Tiên sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, Nga cũng kêu gọi “các bên” tránh hành động làm gia tăng căng thẳng. Trong khi đó, Mỹ đã kịch liệt lên án vụ phóng mà họ gọi là “hành động kích động ở mức cao”, cảnh báo sẽ làm mất ổn định tình hình bán đảo Triều Tiên, càng làm Bình Nhưỡng bị cô lập với cộng đồng quốc tế. “Vụ phóng này là một ví dụ nữa cho thấy cách hành xử thiếu tinh thần trách nhiệm của Triều Tiên,” người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia thuộc Nhà Trắng, Tommy Vietor nói trong một thông cáo. Trước đấy, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết nước này có “ghi nhận” việc Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa và đang giám sát tình hình. “Chúng tôi ghi nhận vụ phóng và đang giám sát tình hình. Chúng tôi sẽ đưa ra tuyên bố chính thức sau’, một quan chức cấp cao của Mỹ nói với AFP trong thư điện tử sau khi Bình Nhưỡng vẫn phóng tên lửa bất chấp cảnh báo từ Washington. Một nước lớn khác là Ấn Độ cũng đã lên án vụ phóng của Triều Tiên, cho dù cũng trong ngày 12/12, cường quốc Nam Á này đã thử phóng tên lửa tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân “Agni I” từ bệ phóng ở bờ biển phía đông đất nước. Tên lửa này cũng từng được thử nghiệm trước đó, có tầm phóng 700km, có khả năng nhắm trúng những mục tiêu tại Pakistan. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon cũng đã lên án mạnh mẽ việc Triều Tiên phóng tên lửa, coi đây là hành động “mang tính khiêu khích” bản nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Người phát ngôn của LHQ Martin Nesirky cho biết Hội đồng Bảo An sẽ triệu tập cuộc họp khẩn để bàn về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ông Ban, vốn là cựu Ngoại trưởng Hàn Quốc, nói hành động của Triều Tiên đã thách đố sự hợp nhất cũng như những lời kêu gọi mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Ông cũng nói vụ phóng của Triều Tiên đã vi phạm nghị quyết 1874 của HĐBA, được thông qua sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên năm 2009, cấm Triều Tiên được sử dụng mọi công nghệ liên quan tới tên lửa đạn đạo. Trước đó, Triều Tiên xác nhận đã phóng tên lửa tầm xa và đưa vệ tinh thành công lên quỹ đạo. “Vụ phóng phiên bản thứ hai của vệ tinh Kwangmyongsong-3 từ trung tâm vũ trụ Sohae ngày 12-12 đã thành công”, hãng tin KCNA nói. “Vệ tinh đã đi vào quỹ đạo như dự kiến”. Nhưng Washington và các nước đồng minh nói đó là chương trình thử tên lửa đạn đạo trá hình. Tuần trước, người đứng đầu Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ nói Mỹ đã triển khai các tàu chiến trang bị hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo để giám sát “chặt chẽ” những động thái của Triều Tiên. Hai tàu khu trục trang bị tên lửa hành trình, USS Benfold và USS Fitzgerald, đã được đưa tới tây Thái Bình Dương trước vụ phóng, theo hải quân Mỹ. Hai tàu này có nhiệm vụ “giám sát bất cứ vụ phóng tên lửa nào từ Triều Tiên để đảm bảo an ninh cho các nước đồng minh trong khu vực khi vụ phóng xảy ra”. Cả hai tàu khu trục đều trang bị hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo tối tân Aegis.
Tàu khu trục USS Benford được điều động để giám sát mọi hành động của Triều Tiên (Nguồn: AFP)
Các nghị quyết 1718 và 1874 của Liên Hiệp Quốc cấm Triều Tiên thực hiện các hoạt động hạt nhân và tên lửa tầm xa./.
Trần Trọng (Vietnam+)