Các nước nghèo vật lộn với khoản nợ khổng lồ dù được hoãn, giãn nợ

Bất chấp những nỗ lực hoãn và giãn nợ của các chủ nợ lớn cũng như các tổ chức kinh tế và tài chính, các nước nghèo nhất thế giới, chủ yếu tại châu Phi, vẫn phải thanh toán khoản nợ khổng lồ trong năm.
Các nước nghèo vật lộn với khoản nợ khổng lồ dù được hoãn, giãn nợ ảnh 1Phân phát khẩu phần ăn bánh mỳ cứu trợ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo giới quan sát, bất chấp những nỗ lực hoãn và giãn nợ của các chủ nợ lớn cũng như các tổ chức kinh tế và tài chính, các nước nghèo nhất thế giới, chủ yếu tại châu Phi, vẫn phải thanh toán khoản nợ khổng lồ trong năm nay, đe dọa đến khả năng đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và phục hồi nền kinh tế sau đại dịch của những nước này.

Ngày 14/4, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Câu lạc bộ Paris gồm các chủ nợ quốc tế đã nhất trí giãn nợ, với tổng số tiền lên tới 20 tỷ USD cho 76 quốc gia; trong đó có 40 nước tại vùng sa mạc miền Nam châu Phi trong năm nay, do cuộc khủng hoảng liên quan đến dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Cùng ngày, các bộ trưởng tài chính Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cho biết những nước nghèo đang phải đối mặt với nhiều khó khăn nhất trong việc ứng phó với dịch COVID-19.

Do đó, các thành viên của Nhóm các nước phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẵn sàng tạm hoãn việc thanh toán nợ, nếu như có sự đồng ý của toàn bộ các chủ nợ chính thức trong G20 và như đã nhất trí với Câu lạc bộ Paris.

Trước đó một ngày, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thông báo sẽ cung cấp các khoản viện trợ khẩn cấp cho 25 quốc gia nghèo nhất thế giới và dễ bị tổn thương nhất, trong đó phần lớn là các nước châu Phi, để giúp các nước này giảm nợ và đối phó tốt hơn với tác động của đại dịch COVID-19.

[COVID-19: G7 sẵn sàng tạm hoãn việc thanh toán nợ cho các nước nghèo]

Một phần số tiền này sẽ được dùng để chi trả các khoản nợ cho IMF trong 6 tháng và phần còn lại sẽ dành cho các nỗ lực cứu trợ khẩn cấp và hỗ trợ y tế.

IMF không nêu rõ kế hoạch viện trợ này trị giá bao nhiêu, nhưng tổ chức từ thiện Jubilee Debt Campaign tính toán từ dữ liệu của IMF rằng các quốc gia sẽ không phải trả khoản tiền trị giá 214 triệu USD trong giai đoạn này.

Tuy nhiên, các nhà phân tích ước tính 76 quốc gia nghèo nhất thế giới, những nước đủ điều kiện nhận tài trợ từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) của IMF, vẫn sẽ phải trả khoản nợ có tổng trị giá 40 tỷ USD cho các chủ nợ nước ngoài trong năm nay. Trong tổng số này, các khoản hoàn trả cho IMF, WB và các nhà cho vay đa phương khác được ước tính vào khoảng 13 tỷ USD.

Còn theo ước tính của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), các quốc gia có thu nhập thấp còn phải trả khoản nợ trong nước hơn 130 tỷ USD trong năm nay.

Giới quan sát chỉ ra rằng IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) có quyền sử dụng tới 260 tỷ USD viện trợ khẩn cấp mà họ có thể cung cấp cho các quốc gia đủ điều kiện nhận tài trợ từ IDA.

Cho đến nay, IMF đã phê duyệt các khoản vay trị giá 3,4 tỷ USD cho 12 quốc gia ở châu Phi cận Sahara và Đông Âu để ứng phó với tác động của dịch COVID-19.

Yêu cầu từ sáu quốc gia khác bao gồm Nigeria, Pakistan và Colombia đang chờ được phê duyệt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục