Phóng viên TTXVN tại Trung Đông và Bắc Phi dẫn báo chí khu vực ngày 18/2 cho biết các quốc gia vùng Vịnh sẽ tiếp tục chi nhiều tỷ USD cho quốc phòng cho dù giá dầu thấp đang gây ra tình trạng thâm hụt ngân sách nghiêm trọng khiến những nước này phải thực thi các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" và cắt giảm chi tiêu.
Theo báo cáo mới nhất vừa công bố của hãng phân tích quốc phòng Teal Group (có trụ sở tại Mỹ), tổng chi phi quốc phòng của Saudi Arabia ước tính khoảng 82 tỷ USD trong năm 2016 và sẽ tăng lên 87 tỷ USD vào năm 2020, trong khi con số này của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) là 15,1 tỷ USD năm 2016 và 17 tỷ USD năm 2020.
Teal Group cũng dự báo ngân sách quốc phòng của các nước Kuwait, Qatar, Oman và Bahrain cũng sẽ tăng trong 4 năm tới.
Phó Chủ tịch Teal Group Richard Aboulafia khẳng định mặc dù giá dầu thấp có thể ảnh hưởng đến các quyết định và thời gian thực hiện các hợp đồng quốc phòng, song điều này ít tác động đến tổng doanh số bán các loại vũ khí tầm trung và tầm xa.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, ngân sách quốc phòng của Saudi Arabia và UAE chiếm tỷ trọng trong GDP cao nhất thế giới.
Tại Triển lãm Vũ khí Quốc tế 2017 (IDEX 2017), khai mạc tại thủ đô Abu Dhabi của UAE ngày 19/2, dự kiến sẽ có nhiều hợp đồng mua sắm vũ khí lớn của các quốc gia trong khu vực được ký kết.
Trong số các thương vụ khổng lồ có hợp đồng của UAE mua tới 60 máy bay chiến đấu.
Saudi Arabia hiện cũng đang tiến hành đàm phán hợp đồng mua các máy bay chiến đấu Eurofighter và F-15 để thực hiện các mục tiêu tăng cường sức mạnh quân sự đầy tham vọng.
Trong khi đó, Kuwait cũng đã dạm mua 28 chiếc máy bay tiêm kích Boeing F/A-18 E/F Super Hornet.
Ngoài mua sắm máy bay chiến đấu, các nước trong khu vực cũng muốn nâng cấp các hệ thống tên lửa và mua máy bay trực thăng, xe tăng, máy bay không người lái cũng như các thiết bị quân sự khác nhằm tăng cường sức mạnh quân sự để đảm bảo an ninh-quốc phòng./.