Thống đốc của một số ngân hàng trung ương lớn ngày 29/9 cho rằng những nút thắt cổ chai về nguồn cung đang làm tăng lạm phát và cản trở đà phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, Christine Lagarde phát biểu tại một diễn đàn thường niên của ngân hàng này tại Frankfurt cho rằng sự không chắc chắn về các vấn đề của nguồn cung là mối đe dọa đối với tăng trưởng kinh tế. Khi các vấn đề này chưa được giải quyết, tăng trưởng kinh tế sẽ vẫn yếu đi.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đánh giá các nút cổ chai về nguồn cung đang khiến tình trạng gia tăng lạm phát kéo dài hơn so với dự kiến.
Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân tại Mỹ mà Fed ưu tiên theo dõi tăng 4,2% trong tháng Bảy, cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2%.
[OECD hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu, cảnh báo hồi phục bấp bênh]
Theo ông Powell, tình trạng thiếu nguyên liệu thô và các linh kiện quan trọng khiến nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu bị ảnh hưởng vẫn chưa được cải thiện và có thể tiếp tục gây tác động trong năm tới, dù Fed nhận định tăng trưởng kinh tế vẫn mạnh.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh, Andrew Bailey, thừa nhận việc thiếu nguồn cung thực sự là một trở ngại đối với nền kinh tế và thách thức trong những tháng tới là đưa nền kinh tế vượt qua giai đoạn tăng trưởng không ổn định do sự thiếu hụt này.
Theo ông Bailey, nguồn cung thiếu không xuất phát từ cùng một nguyên nhân và không phải đều được giải quyết bằng việc điều chỉnh chính sách của ngân hàng trung ương.
Tại Anh, tình trạng thiếu lái xe liên quan đến việc nước này ra khỏi Liên minh châu Âu đã dẫn tới sự khan hiếm nhiên liệu và thực phẩm, dẫn tới việc người dân xếp hàng dài tại các trạm xăng và các kệ hàng của siêu thị trống rỗng.
Trong khi đó, tình trạng thiếu chip trên toàn cầu, một linh kiện quan trọng của ôtô và các thiết bị điện tử tiêu dùng, gia tăng do các biện pháp phong tỏa nhằm kiểm soát dịch ở các điểm chủ chốt của chuỗi cung ứng./.