Theo bài viết trên báo The Business Times, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thể tự tin là khu vực có nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tổng giá trị thương mại hàng hóa dự kiến tăng gấp ba lần trong giai đoạn 2020-2025, đạt 300 tỷ USD.
Đối với một khu vực vẫn đang phải vật lộn với đại dịch COVID-19, kinh tế số đem lại không chỉ một phương tiện mới để duy trì kết nối, mà còn là một "chiếc phao" kinh tế cho các doanh nghiệp ASEAN.
Đại dịch đã đẩy nhanh việc thực hiện các dịch vụ kỹ thuật số, khi chỉ riêng trong năm 2020 đã có hơn 40 triệu người dùng mới.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho sự tăng trưởng này, các nhà lãnh đạo ASEAN đã đưa ra một loạt kế hoạch tổng thể về kỹ thuật số, các kế hoạch hành động và lộ trình, trong đó Hiệp định khung kinh tế số ASEAN (DEFA) là mới nhất.
Hiệp định này có thể được coi là quan hệ đối tác khu vực giữa chính phủ các nước, nhằm tiêu chuẩn hóa các quy định và chức năng thương mại số như luồng dữ liệu xuyên biên giới.
Điều này sẽ cho phép các doanh nghiệp hoạt động một cách hiệu quả hơn giữa các nền kinh tế đối tác. Đây là sáng kiến chính sách đáng khen ngợi để ASEAN theo đuổi sự phục hồi sau đại dịch.
Dự kiến, những nghiên cứu về việc thực hiện DEFA sẽ được bắt đầu vào năm 2023. Tuy nhiên, nghiên cứu của Viện Cạnh tranh châu Á (ACI) đã chỉ ra những lĩnh vực cấp bách nhất cần cải cách. Trong đó, việc hiểu được những thách thức khác nhau mà các hiệp định khu vực và song phương phải đối mặt, cũng như những kinh nghiệm của các nước có Hiệp định kinh tế số (DEA), cũng có thể mang tính chỉ dẫn.
Nền tảng cho các thỏa thuận kinh tế số
Các nhà khoa học của ACI gần đây đã hoàn thành một nghiên cứu mang tên "Đánh giá mức độ sẵn sàng của các thỏa thuận kinh tế số", trong đó đánh giá tiêu chuẩn của nền kinh tế ASEAN-6 với các đối tác bên ngoài đã ký kết DEA với Singapore, cụ thể là Chile, New Zealand và Australia.
Các nhà nghiên cứu thực hiện cách tiếp cận theo từng cấp độ, xem xét kỹ lưỡng các lĩnh vực nền tảng cơ bản đòi hỏi hợp tác xuyên biên giới như thanh toán số. Sau đó, họ đánh giá thêm các lĩnh vực mới như những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo (AI), nhằm giúp tăng cường hợp tác.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những tiêu chuẩn về phát triển của Singapore và các đối tác bên ngoài gần ngang bằng nhau.
Đây là "chìa khóa" giúp các giao dịch xuyên biên giới diễn ra suôn sẻ hơn. Tuy nhiên, cán cân giữa Singapore và các nước láng giềng trong ASEAN lại ít cân bằng hơn.
[ASEAN cùng đối tác nỗ lực thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch]
Thanh toán điện tử của Singapore và Malaysia dẫn đầu trong lĩnh vực này, với giá trị giao dịch thực năm 2020 của Singapore tăng 48% lên 138,38 triệu USD và của Malaysia tăng 864% lên 68 triệu USD so với năm 2019.
Trong khi đó, các nước thành viên khác của ASEAN vẫn chưa bắt kịp. Năm 2019, tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán chủ yếu đối với thương mại điện tử ở các nước như Việt Nam (72%) và Philippines (67%).
Mặc dù dịch bệnh COVID-19 đã buộc nhiều nước phải thực hiện thanh toán số, như với việc sử dụng các giao dịch qua ngân hàng số đã tăng 42,3% tính trên cơ sở hàng năm ở Indonesia, nhưng khoảng cách giữa các nước vẫn còn đáng kể.
Các xu hướng trong tương lai được dự báo có thể thu hẹp khoảng cách này vào năm 2023. Ngân hàng HSBC lưu ý thanh toán số của ASEAN có thể tăng gấp ba lần, lên 1.500 tỷ USD vào năm 2030.
Việc triển khai kết nối hệ thống thanh toán đầu tiên của thế giới giữa PayNow của Singapore và PromptPay của Thái Lan cũng có thể là mô hình cho sự tương tác giữa các nước thành viên khác.
Tuy nhiên, khu vực vẫn cần có nhiều nền tảng hơn. Các chính phủ cần phải tiếp tục thúc đẩy những giải pháp về thanh toán điện tử phù hợp với điều kiện từng nước, cho dù đó là thông qua cải cách về quy định ở Indonesia hay các biện pháp xây dựng lòng tin ở Thái Lan.
Bên cạnh đó, chính phủ cũng cần khám phá nhiều hơn các hiệp đinh song phương, nếu không muốn nói là đa phương, với tư cách là một khối xây dựng cho mối quan hệ đối tác khu vực.
Từ DEA đến DEFA
Tuy nhiên, chỉ riêng nền tảng thôi sẽ không đảm bảo thành công. Việc hoàn tất một DEFA toàn khu vực sẽ không chỉ đòi hỏi những tiêu chuẩn công bằng về các chính sách cơ bản, mà còn đòi hỏi những tiêu chuẩn có thể tương tác.
Lấy ví dụ về vấn đề quyền riêng tư dữ liệu. Mặc dù 4 thành viên trong ASEAN-6 có luật cụ thể về vấn đề này, nhưng có những tiêu chuẩn rất khác nhau đằng sau việc sử dụng chúng.
Các chính phủ đã đưa ra tuyên bố rằng luật về quyền riêng tư dữ liệu có thể được sửa đổi để phù hợp với các tiêu chuẩn bên ngoài. Tuy nhiên, thách thức lớn hơn của việc đạt được một tiêu chuẩn mới vẫn còn đang được thảo luận.
Với tư cách là nước thành viên duy nhất của ASEAN có kinh nghiệm dự thảo các DEA, Singapore có vị trí duy nhất để chia sẻ kinh nghiệm của mình về cách tốt nhất để tiến hành các kế hoạch này.
Việc chia sẻ này không chỉ mở rộng đến những hoàn cảnh có thể tạo điều kiện tốt nhất cho việc ký kết các thỏa thuận như vậy, mà còn giúp mang đến cách tiếp cận tốt nhất.
Ngoài các chính sách cơ bản, nghiên cứu của ACI cũng so sánh các lĩnh vực mới như AI. Trong khu vực đang tồn tại những khác biệt về năng lực trong lĩnh vực này, với Singapore vượt xa về phát triển AI.
Như nghiên cứu đã trình bày, những lĩnh vực này vẫn đang phát triển và các ngưỡng cho quan hệ đối tác không nghiêm ngặt như với các lĩnh vực cơ bản.
Rõ ràng, thay vì cố gắng làm cho những bức tranh chính sách quốc gia phản chiếu các hình ảnh khác nhau, điều cần làm hơn trước tiên là tập trung vào việc đạt được sự hiểu biết trong những lĩnh vực chính sách cơ bản. Điều này liên quan đến một phát hiện then chốt khác, đó là bản chất của các DEA.
Không giống như quá trình tuyến tính của việc xây dựng một ngôi nhà từ nền móng lên, các nước có thể lựa chọn lĩnh vực chính sách tương thích nhất để bắt đầu hợp tác sâu sắc hơn.
Các quốc gia có các quy định về quyền riêng tư dữ liệu có thể tương tác có thể bắt đầu hợp tác trong lĩnh vực đó, với mục tiêu tiến tới hợp tác với nhau về thanh toán kỹ thuật số xuyên biên giới sau này.
Một DEFA khu vực sẽ phức tạp hơn rất nhiều so với một DEA song phương. Khoảng thời gian dài để nghiên cứu DEFA, chưa nói đến việc bắt đầu đàm phán, cho thấy thách thức đằng sau việc này. Tuy nhiên, một hiệp định như vậy sẽ là bước tiến quan trọng để ASEAN thực hiện những tham vọng về kỹ thuật số./.