Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua, từ ngày 25/7 đến ngày 4/8, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có mưa to trên diện rộng, gây lũ lớn trên lưu vực sông Kỳ Cùng, sông Thương, sông Bắc Giang.
Đặc biệt, trên địa bàn các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng, Lộc Bình, Đình Lập và thành phố Lạng Sơn, mưa to làm ngập lụt và gây thiệt hại nghiêm trọng trên các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lạng Sơn, một số tuyến đường huyện Chi Lăng, Hữu Lũng, Văng Lãng, Tràng Định bị ngập sâu trong nước; nhiều khu vực bị cô lập do đường giao thông không đi lại được; nhiều đoạn trên các tuyến Quốc lộ 3B, 4B, 279 và nhiều tuyến đường tỉnh, đường huyện bị ngập, ách tắc giao thông, làm hư hỏng nền đường, sạt lở taluy…
Toàn tỉnh có hơn 300 vị trí sạt lở taluy dương lớn, với tổng khối lượng đất đá trên 50.000m3, trên 30 vị trí sạt lở taluy âm, sói lở mặt đường khoảng 60.000m3 và hàng chục ngàn mét khối đất đá có nguy cơ sạt lở cao. Tổng kinh phí cần khắc phục thiệt hại ước tính khoảng 37 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đình Đại, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lạng Sơn cho biết ngành giao thông tỉnh đã thực hiện ngay các công việc đảm bảo giao thông bước một gồm hót đất sạt lở từ mái taluy dương, từ sườn dốc xuống nền đường; đắp mặt đường bằng cấp phối sỏi suối, đá dăm; đắp lại nền đường tại các vị trí sạt lở taluy âm có nguy cơ ách tắc giao thông; làm rào chắn, cọc tiêu cảnh báo, phân luồng giao thông tại các vị trí sạt lở…
Ngành đã huy động 25 máy xúc, 33 ôtô và hơn 300 cán bộ, công nhân viên lao động tại 4 đơn vị quản lý đường bộ, 14 hạt quản lý địa bàn và phối hợp với Ủy ban Nhân dân các huyện huy động lực lượng khẩn trương đảm bảo giao thông trên tuyến.
Đến ngày 4/8, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ quan trọng đã được xử lý cơ bản thông xe; riêng chỉ còn tuyến Quốc lộ 3B hiện vẫn còn 3 vị trí ngập, giao thông vẫn bị chia cắt.
Nhằm khắc phục thiệt hại và chuẩn bị phương án ứng phó các đợt mưa bão tiếp theo, ngành giao thông vận tải tỉnh Lạng Sơn tiếp tục chỉ đạo các đơn vị huy động máy móc thi công dứt điểm các vị trí đã đảm bảo giao thông, kịp thời xử lý các vị trí phát sinh; chú trọng công tác chuẩn bị vật tư, phương án phối hợp ứng cứu đảm bảo giao thông trong mùa mưa lũ.
Đồng thời, ngành cũng tăng cường công tác bảo dưỡng thường xuyên các hạng mục công trình như hệ thống rãnh thoát nước, khơi thông cống, gia cố mố, trụ cầu; xác định, dự báo các vị trí xung yếu có thể xảy ra sự cố khi có mưa bão…
Bên cạnh đó, ngành thực hiện nghiêm túc chế độ trực, tiếp nhận thông tin và chủ động đối phó, có phương án chỉ đạo, giải quyết kịp thời các tình huống xảy ra./.