Các sự kiện nổi bật của ngành du lịch trong năm 2016

Ngành du lịch Việt Nam đã trải qua một năm với nhiều nỗ lực và thành quả, sau những chương trình quảng bá, xúc tiến diễn ra ở cả trong nước và nước ngoài, với nhiều sự kiện tiêu biểu.
Festival Huế 2016
Festival Huế lần thứ IX-2016 có chủ đề “710 năm Thuận Hóa-Phú Xuân-Thừa Thiên-Huế: Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển,” diễn ra từ 29/4-4/5.

Đây là cơ hội để thể hiện và giao lưu văn hóa của Việt Nam, giới thiệu nghệ thuật ca múa nhạc cung đình và các làn điệu dân ca độc đáo của Huế, các chương trình nghệ thuật truyền thống và đương đại chất lượng cao của 21 đoàn nghệ thuật (trong đó có 271 nghệ sỹ quốc tế, gần 900 diễn viên, nghệ sỹ trong nước) và hàng ngàn nghệ sỹ, diễn viên quần chúng.

Các sự kiện nổi bật của ngành du lịch trong năm 2016 ảnh 1Biểu diễn nghệ thuật trong đêm khai mạc Festival Huế 2016. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)
Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch
Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trong nước và nước ngoài được thực hiện với nhiều chương trình nhất từ trước tới nay.

Ba hội chợ du lịch quốc tế lớn tại 03 thành phố lớn trong nước là: Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hanoi 2016, Hội chợ Du lịch quốc tế Đà Nẵng 2016, Hội chợ Du lịch quốc tế thành phố Hồ Chí Minh 2016.

Hoạt động quảng bá, xúc tiến ra nước ngoài rầm rộ và đa dạng địa bàn cũng như hình thức với 8 Hội chợ du lịch quốc tế như: Hội chợ TRAVEX Philippines 2016, Hội chợ du lịch quốc tế ITB Berlin lần thứ 50-2016, Hội chợ du lịch quốc tế Moscow lần thứ 23-MITT 2016, Hội chợ thương mại dịch vụ GES-Ấn Độ.

Hội chợ du lịch quốc tế TTM Plus Thailand 2016, Hội chợ du lịch quốc tế Top Resa tại Pháp, Hội chợ du lịch quốc tế PATA Travel Mart-Indonesia, Hội chợ JATA Tourism Expo-Nhật Bản; tổ chức Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các nước Ấn Độ, Cộng hòa Séc, Trung Quốc, Australia, Kazakhstan và Uzbekistan…

Các sự kiện nổi bật của ngành du lịch trong năm 2016 ảnh 2Khách du lịch quốc tế tìm hiểu thông tin du lịch Việt Nam tại một gian hàng Hội chợ Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)
Không gian đi bộ xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm
Từ 19 giờ thứ Sáu đến 24 giờ Chủ Nhật hàng tuần, bắt đầu thực hiện từ 1/9 đến hết năm 2016.

Sở Du lịch đã phối hợp với Thành đoàn Hà Nội tham gia đón tiếp và hướng dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế trải nghiệm không gian đi bộ trên 16 tuyến phố xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; giới thiệu, hướng dẫn cho du khách tham gia các trò chơi dân gian trên một số tuyến phố đi bộ, tổ chức lực lượng tham gia làm vệ sinh môi trường tại một số tuyến phố.

Từ khi đi vào hoạt động, lượng du khách trong và ngoài nước đến khu vực này tăng mạnh, trung bình ban ngày đạt từ 3.000-5.000 người, buổi tối từ 1,5 vạn đến 2 vạn người.

Các sự kiện nổi bật của ngành du lịch trong năm 2016 ảnh 3Trò chơi dân gian truyền thống 'Múa lân' được trình diễn ở quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, trong không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Ngành Du lịch 14 tỉnh ký kết chương trình hợp tác du lịch
Với tinh thần “Mười bốn tỉnh, thành phố-Một điểm đến,” ngành du lịch 14 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long đã ký kết Chương trình hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020.

Chương trình hợp tác sẽ phối hợp nguồn lực, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để tăng cường tổ chức hoạt động phát triển du lịch; liên kết sự chủ động của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch để phát triển thị trường khách nội địa và quốc tế.

Ngoài ra, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và xây dựng các tour, tuyến liên vùng hoàn chỉnh, hấp dẫn du khách; nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi bên, đề cao sự hợp tác, tăng cường trao đổi thông tin trong giải quyết công việc quản lý Nhà nước của 14 địa phương trên cũng sẽ được đẩy mạnh phát triển.

Các sự kiện nổi bật của ngành du lịch trong năm 2016 ảnh 4Bờ cát trắng mịn và làn nước trong xanh như ngọc của Bãi Sao (Phú Quốc) cuốn hút du khách quốc tế. (Ảnh: Trường Giang/TTXVN)
Carnaval Hạ Long 2016
Trải qua 9 lần tổ chức, Carnaval Hạ Long đã trở thành thương hiệu của du lịch tỉnh Quảng Ninh, góp phần giới thiệu tới bạn bè trong và ngoài nước về vùng đất, con người Quảng Ninh, về Hạ Long - Di sản, kỳ quan thiên nhiên của thế giới.

Với chủ đề “Hội tụ và lan tỏa,” Carnaval Hạ Long 2016 bao gồm chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao trong tuần lễ du lịch Hạ Long-Quảng Ninh 2016, kéo dài từ cuối tháng Tư đến đầu tháng Năm.

Có khoảng 1.600 diễn viên tham gia trong đó có sự góp mặt của hai đoàn nghệ thuật nước ngoài đến từ Phillipines và Ukraine.

Các sự kiện nổi bật của ngành du lịch trong năm 2016 ảnh 5Carnaval Hạ Long 2016 không tổ chức lễ hội đường phố. (Ảnh minh họa - Nguồn: TTXVN)
Liên hoan du lịch Làng nghề truyền thống Hà Nội-Việt Nam 2016
Diễn ra từ ngày 29/9-2/10, tại Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội, Liên hoan có chủ đề “Hà Nội - Tinh hoa nghề truyền thống.”

Ban tổ chức kỳ vọng đây là hoạt động văn hóa, du lịch góp phần giới thiệu, bảo tồn, tôn vinh và phát triển các nghề thủ công truyền thống gắn với du lịch của thành phố Hà Nội, các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Liên hoan có sự tham gia của các làng nghề, nghệ nhân, doanh nghiệp, doanh nhân, nghệ sỹ, thợ thủ công, các doanh nghiệp du lịch…; giới thiệu những nét đẹp truyền thống, tài hoa của con người Thăng Long-Hà Nội ngàn năm văn hiến đến với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Các sự kiện nổi bật của ngành du lịch trong năm 2016 ảnh 6Trình diễn nghề thêu truyền thống tại Liên hoan du lịch Làng nghề truyền thống Hà Nội-Việt Nam 2016. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Mở cửa trở lại khu trưng bày Cổ vật Chăm Pa thời vua Khải Định
Từ ngày 23/11, sau 71 năm đóng cửa, khu trưng bày Cổ vật Chăm Pa thời vua Khải Định (thuộc Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế) đã được mở cửa đón khách thăm quan trở lại.

Khu trưng bày này hiện còn lưu giữ 88 cổ vật Chăm Pa rất quý hiếm, gắn liền với việc hình thành Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế.

Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế được thành lập năm 1923, dưới thời vua Khải Định và được gọi Musée Khai Dinh, nay trực thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Tới tháng 12/1927, vua Khải Định cho thành lập “Kho Chàm” tại Musée Khai Dinh để trưng bày các cổ vật do Viện Viễn Đông Bác cổ sưu tầm. Tiếc rằng, năm 1945, vua Bảo Đại thoái vị, khu trưng bày cổ vật Chăm Pa bị đóng cửa. Trước giải phóng, khu trưng bày có mở cửa nhưng không chính thức do chiến tranh kéo dài.

Các sự kiện nổi bật của ngành du lịch trong năm 2016 ảnh 7Du khách thăm quan triển lãm cổ vật Chămpa tại Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế, vào cuối tháng 11 vừa qua. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục