Các thành phố đắt nhất với người nước ngoài ở ĐNA

Theo Hãng tư vấn ECA International, thủ đô Jakarta, Indonesia được xếp vào vị trí thành phố đắt đỏ thứ 2 ở Đông Nam Á, sau Singapore.
Hãng tư vấn ECA International vừa công bố kết quả khảo sát về chi phí sinh hoạt tại 425 thành phố thuộc 193 quốc gia trên thế giới, theo đó thủ đô Jakarta của Indonesia đã được xếp vào vị trí thành phố đắt đỏ thứ hai ở Đông Nam Á, sau Singapore.

Tuy nhiên, trong bảng xếp hạng toàn cầu năm 2012 của ECA International, Jakarta đã cải thiện được 32 bậc so với năm 2011, khi đứng ở vị trí 123, chủ yếu nhờ đồng nội tệ rupiah yếu đi so với các đồng ngoại tệ chủ chốt khác. Trong khi Singapore đã tăng hai bậc trở thành thành phố đắt đỏ thứ tám ở châu Á, song vẫn duy trì vị trí thứ 31 trong bảng xếp hạng toàn cầu.

Thủ đô Bangkok của Thái Lan là thành phố đắt đỏ thứ ba ở Đông Nam Á và thứ 162 trên toàn cầu, tiếp theo là thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia đứng thứ tư trong khu vực, song đã có bước thụt lùi đáng kể khi nhảy từ vị trí 179 lên 186 trong bảng xếp hạng toàn cầu.

Thành phố Surabaya của tỉnh East Java, Indonesia chiếm vị trí thứ 5 ở Đông Nam Á, trong khi Thành phố Hồ Chí Minh ở Việt Nam được đánh giá ít đặt đỏ nhất trong khu vực và xếp thứ 217 trong bảng xếp hạng toàn cầu. Tiếp theo là thủ đô Hà Nội của Việt Nam, xếp thứ 204; Johor Baru của Malaysia, đứng thứ 195; Chiang Mai của Thái Lan xếp thứ 189 và thủ đô Manila của Philippines, đứng thứ 187.

Kết quả của một số thành phố khác trong bảng xếp hạng toàn cầu là thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc, thứ 22), Thượng Hải (Trung Quốc, 26), Hong Kong (Trung Quốc, 9), Paris (Pháp, 42), Rio de Janeiro (Brazil, 64), và các thành phố Sydney, Canberra, Melbourne, Perth, Darwin và Brisbane của Australia lần lượt xếp ở các vị trí 16, 18, 21, 24, 25, 27 và 28.

Thành phố đặt đỏ nhất thế giới và châu Á với người nước ngoài vẫn là thủ đô Tokyo (Nhật Bản).

Cuộc khảo sát được ECA International tiến hành trong giai đoạn từ 9/2011 đến 9/2012 và xếp hạng thông qua chi phí sinh hoạt trên cơ sở so sánh rổ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, có xét đến các yếu tố lạm phát hàng hóa và tỷ giá hối đoái./.

Viêt Tú/Jakarta (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục